Tại sao ông chủ Lenovo dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn có thể nhận được mức lương hàng năm khoảng 100 triệu NDT? Dường như Trung Quốc cũng đang mắc phải “căn bệnh của người Mỹ”, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Cựu CEO Lenovo nhận lương cao hơn cả CEO công ty vốn hóa lớn nhất thế giới
Mức lương của cựu CEO Lenovo Liu Chuanzhi (Liễu Truyền Chí), người đã nghỉ hưu vào cuối năm 2019, bao gồm hai phần: một là 76,035 triệu NDT từ Legend Holdings, và phần khác là mức lương hàng năm 3,17 triệu USD từ công ty niêm yết tại Hồng Kông – Lenovo Group Ltd, tổng là 14,955 triệu USD.
Trong khi đó, theo báo cáo của Wall Street Journal, CEO Tim Cook của Apple có mức lương cơ bản là 14,77 triệu USD vào năm 2020. Nói cách khác, cựu CEO Lenovo, người đã nghỉ hưu, có mức lương cao hơn Tim Cook hàng trăm nghìn đô la vào năm 2020.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô doanh nghiệp, Apple đủ sức đè bẹp Lenovo.
Tim Cook phụ trách Apple, công ty có giá trị thị trường 2,36 nghìn tỷ USD, trong khi Lenovo chỉ đạt 13,6 tỷ USD, con số này thậm chí còn không bằng một góc của Apple.
Lợi nhuận ròng của Apple vào năm 2020 là 57,411 tỷ USD. Lenovo kiếm được khoảng 600 triệu USD.
Lợi nhuận ròng của Apple gấp gần 100 lần so với Lenovo.
Trong năm tài chính 2021, tỷ lệ nợ trên tài sản của Lenovo đã vượt quá 90%. Dự trữ tiền mặt của Apple cao tới 261,5 tỷ USD, vượt quá GDP hàng năm của 150 quốc gia trên thế giới.
Nhưng khi nói đến việc các giám đốc điều hành kiếm tiền, Apple chỉ có thể đứng ngoài cuộc, các giám đốc điều hành của Lenovo có thể kiếm tiền nhanh hơn. Như cựu CEO Lenovo dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn có thể kiếm được gần 100 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Hiện tượng trả lương cao ngất ngưởng cho giám đốc điều hành đang phổ biến ở một số công ty tại Trung Quốc, điều này có thực sự bình thường?
“Căn bệnh của người Mỹ”
Hiện nay, có một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội Mỹ: sự phân cực giữa người giàu và người nghèo. Cách đây vài ngày, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố một số liệu cho thấy tài sản của 1% giới “siêu giàu” Mỹ vượt quá tất cả tài sản thuộc sở hữu của tầng lớp trung lưu.
1% những người giàu nhất nước Mỹ đại diện cho khoảng 1,3 triệu hộ gia đình kiếm được tổng số 130 triệu USD mỗi năm. Trong đó, mỗi gia đình kiếm được trung bình hơn 500.000 USD một năm. Trong khi đó, 77,5 triệu gia đình thuộc 60% gia đình trung lưu ở Mỹ kiếm được khoảng 27.000 USD đến 141.000 USD mỗi năm. Và lần đầu tiên, giới siêu giàu ở Mỹ chiếm tỉ trọng lớn hơn, ở mức 27%.
Trong cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 20” (Capital in the Twenty-First Century) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, tác giả đã đặc biệt nói về một hiện tượng trong các doanh nghiệp – “nhà quản lý đại tài”. Nghiên cứu của ông cho thấy 0,1% những người giàu nhất chiếm 70% tài sản thuộc về các “nhà quản lý đại tài”.
Sự đóng góp cá nhân của những CEO này thực ra rất khó đo lường, nhưng họ có “quyền” quyết định mức lương của họ. Các giám đốc điều hành rất hào phóng với bản thân, ngay cả khi công ty đang hoạt động không tốt.
Ví dụ rõ ràng nhất là Boeing.
Cựu Giám đốc điều hành của Boeing Muilenberg đã nhận được tổng số tiền bồi thường hơn 70 triệu đô la Mỹ từ năm 2015 đến năm 2018. Ông buộc phải từ chức sau hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX, nhưng ông vẫn có thể nhận được hơn 100 triệu USD tiền lương hưu, tiền bồi thường thôi việc và các khoản thu nhập khác.
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, Boeing thường phải cho các kỹ sư cơ khí làm việc tăng ca, thậm chí Boeing còn thuê đầu bếp của các nhà hàng thức ăn nhanh làm kỹ sư cơ khí. Có thể nói những nhà quản lý đã trở thành “mèo siêu béo” và là một “căn bệnh của người Mỹ”.
Nghèo lại càng nghèo, giàu lại càng giàu. Xu hướng này ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Thậm chí, hãng tin Bloomberg của Mỹ còn nhận xét rằng tài sản của tầng lớp trung lưu đang bị xói mòn và ngày càng có nhiều người chuyển sang chủ nghĩa dân túy. Mỹ là một bài học từ quá khứ và Trung Quốc có khả năng cũng bước vào con đường này.