Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp hội viên về tình hình hoạt động và tác động của các chính sách của chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn hơn
Theo đó, có 88,6% doanh nghiệp Đà Nẵng dự báo doanh thu sẽ giảm so với năm 2020, trong đó 45,57% doanh nghiệp giảm từ 25% đến dưới 50%; 22,78% doanh nghiệp giảm dưới 25% và 20,25% doanh nghiệp doanh thu giảm trên 50%.
Cũng theo kết quả khảo sát, có 98,56% doanh nghiệp hội viên cho biết dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, trong đó 73,38% có mức độ ảnh hưởng là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 25,18% bị ảnh hưởng một phần đến hoạt động kinh doanh của mình.
Mặc dù khó khăn là vậy, song các doanh nghiệp hội viên VCCI tại Đà Nẵng đã rất nỗ lực để duy trì hoạt động, vì thế, hiện có 56,83% doanh nghiệp đang duy trì hoạt động trong suốt thời gian dịch bệnh. Những doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động là những đơn vị có lĩnh vực hoạt động thuận lợi hơn, có đơn hàng, được phép hoạt động.
Trong số này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh duy trì hoạt động chiếm tỷ lệ cao nhất với 37,97%.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng, hội viên VCCI tại Đà Nẵng đa phần là các doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có bề dày hoạt động nhiều năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành được xem là hy vọng trong thời kỳ dịch bệnh như xuất khẩu, y tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn.
“Thực trạng của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng càng khó khăn hơn bởi số các doanh nghiệp không được phép hoạt động theo các biện pháp phòng chống dịch bệnh lớn hơn rất nhiều so với số được phép hoạt động, khó khăn càng chồng chất khó khăn”, ông Quang nhận xét.
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng cũng đồng quan điểm với nhiều doanh nghiệp và ghi nhận có ba khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.
Đó là vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu gặp trở ngại do các trạm kiểm soát phòng dịch mỗi địa phương áp dụng các biện pháp khác nhau. Chi phí vận chuyển, logistics tăng cao do phải áp dụng các giải pháp chống dịch; nhiều doanh nghiệp rất khó khăn về tài chính.
Sức chống chịu của doanh nghiệp trước dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội đã bị “bào mòn” trong năm 2020 và đang dần cạn kiệt trong năm 2021.
Cần liều thuốc trợ lực
Đại dịch khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều, vì vậy, các doanh nghiệp Đà Nẵng đang rất cần những “liều thuốc trợ lực” từ chính quyền Đà Nẵng bằng các giải pháp cụ thể đồng bộ và dài hơi giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, góp phần quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến chính quyền thành phố Đà Nẵng nhằm giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển. Về lâu dài vẫn là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Việc hỗ trợ lớn nhất, bền vững nhất của chính quyền cho cộng đồng doanh nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ được làm những gì pháp luật không cấm. Trong điều kiện hiện tại, trước mắt các doanh nghiệp đề xuất nên tập trung vào 5 nhóm kiến nghị.
Một là, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp chủ động phòng chống, sống chung và sản xuất kinh doanh an toàn với dịch bệnh. Theo đó, thành phố Đà Nẵng giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chiến lược tiêm phủ vaccine Covid-19; vận dụng mọi nguồn lực để tiêm phủ vaccine cho toàn dân từ 18 tuổi đến 65 tuổi, ít nhất trên 70% được tiêm mũi hai để sớm có thể tiến hành mở cửa lại kinh tế.
Hai là, thành phố Đà Nẵng cần có kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên các tiêu chí về số ca nhiễm bệnh, sức chịu đựng của hệ thống y tế để kích hoạt chế độ nới lỏng hay thắt chặt giãn cách, công khai cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong lập kế hoạch, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba là, thành phố cần xây dựng các phương án bảo đảm giao thông thông suốt; xem xét bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong vận chuyển, bởi tất cả các loại hàng hóa đều là cần thiết (trừ hàng cấm), cần tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ người vận chuyển.
Bốn là, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công, cắt giảm những công trình chưa cần thiết để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và cân đối ngân sách tránh gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế phải đóng để bù đắp suy giảm ngân sách thành phố.
Năm là, tiếp tục quan tâm và hỗ trợ để ngành du lịch phục hồi, vì đây là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, trọng điểm của thành phố trong những năm qua, đã và đang có tác động rất lớn, lan tỏa đối với các lĩnh vực kinh tế khác nhưng đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất qua hai năm dịch bệnh.
Do đó, thành phố nên chủ động đề xuất với Chính phủ có những cơ chế để ngành du lịch dần hoạt động trở lại như “bong bóng du lịch”, hộ chiếu vaccine, thẻ xanh…
Đồng thời, chọn một số địa điểm, khu du lịch lớn của Đà Nẵng đáp ứng đầy đủ các dịch vụ du lịch và đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khép kín “bong bóng địa điểm du lịch” trong phạm vi thành phố, vùng để tổ chức đón khách du lịch quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị đối thoại mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế – xã hội thành phố; đặc biệt, triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực thành phố, với quy trình, thủ tục đơn giản; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế.
Trong đó, trước mắt đến đầu tháng 10 đảm bảo người lao động được tiêm tối thiểu 1 mũi vacxin phòng ngừa dịch COVID-19 hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh tại doanh nghiệp…
Thành phố cũng sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành công dân xanh, doanh nghiệp xanh, xã hội xanh. Tăng cường chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký/mở rộng đầu tư, hải quan, giấy phép lao động. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tái khởi động và mở rộng các dự án.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng mong cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong từng đơn vị, doanh nghiệp; đặc biệt, sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch; tăng cường tuyên truyền làm cho người lao động thấy được việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình, doanh nghiệp trong sinh hoạt và làm việc; đặc biệt là tạo ra thói quen và cộng đồng; chăm lo đời sống, chế độ cho người lao động đảm bảo quy định.