Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đưa ra những lưu ý người dân khi đặt cọc mua chung cư.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thực tế hiện nay đã ghi nhận không ít kênh môi giới (thường nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán.
Hình thức nhận đặt cọc từ một tờ Giấy đặt cọc đơn giản chỉ ghi nhận số tiền đặt cọc đến những văn bản chi tiết hơn như Hợp đồng đặt cọc hay Văn bản thỏa thuận về việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn, đăng ký mua căn hộ chung cư. Khoản đặt cọc từ vài chục triệu đến những khoản lớn hơn gấp nhiều lần.
Lưu ý chung khi đặt cọc mua chung cư
Liên quan đến các giao dịch đặt cọc mua bán căn hộ chung cư, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người dân cần thực hiện bước cơ bản sau để đảm bảo an toàn.
1.Tìm hiểu rõ địa vị pháp lý của bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng trong mối quan hệ vớ chủ đầu tư. Ngoài thông tin do bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng cung cấp, cần đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh cũng như kiểm tra lại thông tin từ kênh chủ đầu tư.
2. Ngoài các thông tin quảng cáo từ bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng, cần tìm hiểu các thông tin chính thức về dự án và căn hộ từ kênh chủ đầu tư và từ các hồ sơ pháp lý tùy từng giai đoạn. Không vội vàng đặt cọc dựa trên những thông tin một chiều do các đơn vị trung gian cung cấp.
3. Yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán của chủ đầu tư và đính kèm nó làm một phần không tách rời của giấy tờ đặt cọc. Trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thiện dự thảo hợp đồng mua bán, cần yêu cầu quy định những nội dung tối thiểu sau trong giấy tờ đặt cọc:
– Mục đích của việc đặt cọc (như thông tin về căn hộ bên đặt cọc muốn mua khi chủ đầu tư đủ điều kiện mở bán);
– Ấn định thời điểm ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư
– Các điều kiện đối với chủ đầu tư và dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng như: dự án đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật, chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.
Lưu ý nghiên cứu rõ nội dung Hợp đồng đặt cọc
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ nội dung của giấy tờ đặt cọc để đảm bảo chế tài xử lý vi phạm của bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc đã được quy định rõ ràng. Đặc biệt, cân nhắc thật kỹ trong trường hợp có các nội dung bất lợi về xử lý vi phạm hợp đồng của các bên, ví dụ như không cho phép bên đặt cọc chấm dứt hợp đồng hay chế tài đối với bên đặt cọc nặng hơn.
Theo thông tin tổng hợp từ Bộ Xây dựng, trong Quý I/2021, trên cả nước có 88 dự án với 26.019 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, tại miền Bắc có 47 dự án với 14.451 căn hộ; miền Trung có 21 dự án với 5.788 căn hộ, miền Nam có 20 dự án với 5.780 căn hộ. Riêng tại Hà Nội có 10 dự án với 7.062 căn nhà, tại thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án với 3.449 căn nhà.
Như vậy, thị trường đã có thêm một lượng hàng hóa hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán. Đây là các dự án đã cơ bản được đảm bảo pháp lý và người dân có thể yên tâm thực hiện các giao dịch và đặt cọc mua bán.
Theo Khoản 2 điều 398 Bộ luật dân sự 2015, trong Hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ chung cư cần có các điều khoản cơ bản sau:
– Thông tin cơ bản của bên bán và bên mua (họ và tên, năm sinh, CMND/CCCD, địa chỉ, HKTT,…).
– Thông tin đối tượng giao dịch (căn hộ chung cư: diện tích đất, diện tích xây dựng, tình trạng nhà bao gồm các trang thiết bị, kết cấu nhà, tiến độ xây dựng,…).
– Số tiền đặt cọc bên mua giao cho bên bán sau khi ký hợp đồng đặt cọc.
– Thời gian hai bên thực hiện giấy tờ thủ tục pháp lý tiếp theo.
– Các đợt thanh toán tiền tiếp theo, phương thức thanh toán.
– Phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.
– Điều khoản chấm dứt hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
– Hai bên ký nhận, kết thúc giai đoạn đặt cọc để chuyển qua giai đoạn ký kết hợp đồng mua bán chung cư.