Giá dầu thô Brent đạt mức cao nhất trong hơn bảy năm vào thứ Ba (18/1) do nhu cầu ngày càng lạc quan, lo ngại về biến thể Omicron COVID-19 giảm bớt và căng thẳng địa chính trị tăng khiến nguồn cung bị eo hẹp.
Phải mất cả năm ngoái, giá dầu quốc tế mới đạt được mức tăng hơn 50%, nhưng sang năm mới, nó chỉ mất hai tuần để tăng 10%.
Dầu thô Brent đạt mức cao 87,3 USD / thùng, vượt qua mức cao nhất trong tháng 10/2021 và chạm mức cao nhất trong 7 năm kể từ mốc 115 USD vào năm 2014 sau khi tăng 10% trong hai tuần đầu tiên của năm 2022.
Dầu thô WTI theo sát, tăng hơn 12% trong hai tuần đầu năm mới, tuy vẫn thấp hơn một chút so với mức đỉnh của năm ngoái, nhưng nó vẫn đứng ở mức cao 84,95 USD / thùng.
Chi phí năng lượng cao là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao ở Mỹ, vì vậy chính phủ Mỹ đã nhiều lần kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng để lấp đầy khoảng trống cung dầu.
Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết, “Hiện tại vẫn trong thời điểm nguy hiểm đối với thị trường dầu mỏ, chính quyền Biden hoàn toàn sẵn sàng yêu cầu OPEC cung cấp thêm dầu thô.”
Tuy nhiên, ít nhất là trong tình hình hiện tại, những lời kêu gọi của chính quyền Biden chẳng có tác dụng gì với OPEC+. Hiện OPEC + vẫn duy trì sự đồng thuận đạt được hồi tháng 7 năm ngoái là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng / ngày.
Trước tình hình đó, Goldman Sachs cũng tăng dự báo. Với việc nguồn cung tăng quá chậm để theo kịp nhu cầu, Goldman Sachs dự đoán giá dầu sẽ nhanh chóng chạm mức 100 USD / thùng.
OPEC + muốn tăng nhưng năng lực có hạn
OPEC + bao gồm hơn 20 quốc gia sản xuất dầu lớn trên thế giới, nhưng năng lực sản xuất hiện tại của mỗi quốc gia lại cách xa nhau nên tổ chức này dù muốn tăng sản lượng đáng kể cũng là “lực bất tòng tâm”.
Năm ngoái, Nga đã thông báo rằng “năng lực sản xuất gần hết công suất”, và Gazprom, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga, nói rằng “không còn công suất dự phòng.”
“Không có năng suất nhàn rỗi” không chỉ là vấn đề của riêng Nga mà nó đã lan rộng ra khắp thế giới. Nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley chỉ ra rằng công suất dự phòng dầu thô toàn cầu hiện tại sẽ giảm xuống dưới 2 triệu thùng / ngày vào giữa năm nay.
Ngoài ra, Libya, Kazakhstan, Nigeria, Syria, Yemen, … đã gặp vấn đề về nguồn cung, và các quốc gia thành viên như Angola và Malaysia không đủ năng lực để tăng sản lượng do thiếu đầu tư.
Căng thẳng địa chính trị
Mới đây, các chiến binh Houthi của Yemen tuyên bố đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC và gây ra một vụ nổ và hỏa hoạn ở ngoại ô thủ đô Abu Dhabi.
Tin tức này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung từ khu vực giàu dầu thô.
Nhu cầu tăng
Trước đó, ông Damien Courvalin – trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng của Goldman Sachs – còn nói rằng giá “vàng đen” hoàn toàn có thể tăng lên mức 100 USD/thùng.
Dầu thô là nguyên liệu thô quan trọng cho các sản phẩm hóa chất, và xu hướng giá của nó có liên quan mật thiết đến việc tiêu thụ xăng, dầu diesel, khí đốt tự nhiên và nhựa.
Theo Courvalin, ông kỳ vọng mức tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhựa sẽ đạt mức cao kỷ lục mới trong năm nay và năm tới. Mặc dù “giảm phát thải carbon” đã trở thành chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn, nhưng đó là một quá trình diễn ra từ từ và rất khó khăn.
Ví dụ tiêu biểu nhất là châu Âu – khu vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong thời kỳ nhu cầu ổn định, năng lượng mới ở châu Âu vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, một khi có sự biến động lớn về cả cung và cầu, châu Âu vẫn cần dựa vào khí tự nhiên để giải quyết khủng hoảng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng nhu cầu sẽ tăng lên khi thế giới từ từ trở lại bình thường và các nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch.