Đầu tư công là gì? Đây là khái niệm đầu tư có vai trò quan trọng đối mỗi quốc gia, nhất là với quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đầu tư công giúp nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, thu hút vốn đầu tư từ nguồn trong nước cũng như nước ngoài. Đồng thời, đây cũng là nguồn động lực giúp thúc đẩy nhu cầu về việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội.
1. Đầu tư công là gì?
Khái niệm đầu tư công được quy định trong Luật đầu tư coogn năm 2019 quy định áp dụng từ ngày 01/01/2020 như sau:
“Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các trương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này.”
Như vậy, có thể hiểu đầu tư công là hoạt động Nhà nước sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng, thiết kế các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cũng như các dự án phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.
Như vậy, có 3 yếu tố cấu thành nên đầu tư công, bao gồm: chủ thể đầu tư Nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và mục tiêu nhằm phát triển kinh tế – xã hội.
Các hoạt động được quy định là đầu tư công bao gồm thẩm định, lập và quyết định các chủ trương liên quan đến lĩnh vực đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
2. Căn cứ pháp lý về đầu tư công
Luật đầu tư công năm 2019 áp dụng hiện hành và Thông tư 82/2017/TT-BTC
3. Đặc điểm đầu tư công
Căn cứ theo các hoạt động thực tế của đầu tư công của Việt Nam dựa theo các khái niệm về đầu tư công theo luật định, có thể xác định đặc điểm chung của đầu tư công như sau:
Thứ nhất, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước, được thực hiện bởi các chủ trương, kế hoạch và phê duyệt của Nhà nước. Hoạt động này chủ yếu được thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu. Các đơn vị tham gia các dự án đấu thầu của Nhà nước có thể là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, các hoạt động đầu tư công của Nhà nước có nguồn vốn từ các khoản ngân sách Nhà nước (NSNN), tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các khoản nợ vay nợ của chính phủ, địa phương,…)
Các loại nguồn vốn của đầu tư công bao gồm:
- Nguồn vốn từ NSNN được phân bổ cho các ban ngành, địa phương để thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội,… Đây thường là những dự án thu hồi vốn chậm hoặc không có khả năng thu hồi vốn.
- Vốn ngân sách đầu tư theo các chương trình hỗ trợ mục tiêu.
- Vốn tín dụng đầu tư (vốn cho vay) của Nhà nước với các mức ưu đãi nhất định. Chính phủ sử dụng nguồn vốn Nhà nước hoặc vốn vay ODA cho vay lại để đầu tư vào các dự án được uus tiên trong kế hoạch phát triển quốc gia.
- Vốn vay trong nước và nước ngoài để phục vụ hoạt động đầu tư thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu Chính phủ.
- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước từ nguồn vốn NSNN cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp Nhà nước, vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các khoản thu, lợi nhuận của các DNNN, vốn vay của doanh nghiệp thông qua sự bảo lãnh của Chính phủ.
- Vốn hỗn hợp của Nhà nước và các chủ thể khác. Trong trường hợp này, mặc dù sự tham gia của nguồn vốn Nhà nước không nhiều nhưng dự án vẫn được quản lý như một dự án đầu tư công mặc dù phương thức đầu tư, giám sát và quản lý đầu tư sẽ một số điểm không giống với các dự án đầu tư công hoàn toàn bằng NSNN.
Thứ ba, các hoạt động đầu tư công thường nhằm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đủ khả năng là công cụ điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu kinh doanh, tạo thu nhập tài chính cho quốc gia, đảm bảo sự cân đối cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của quốc gia.
4. Đối tượng và dự án đầu tư công
Đối tượng của các đầu tư công bao gồm các chương trình, dự án phân theo phạm vi của đầu tư công.
Tại khoản 13 Điều 4 Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định:
“Dự án đầu tư công là sự án sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công.”
Đối tượng của đầu tư công có thể là các chương trình, dự án đầu tư sau đây:
- Dự án, chương trình sử dụng vốn NSNN
- Dự án sử dụng vốn ODA
- Dự án sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ
- Dự án sử dụng vốn nhà nước không vì mục đích kinh doanh
- Dự án sử dụng vốn nhà nước có mục đích kinh doanh
- Dự án có công trình xây dựng
- Dự án không có công trình xây dựng (mua sắm công)
- Dự án có nguồn vỗn hỗn hợp công – tư (PPP)
5. Các loại đầu tư công hiện nay
Tùy thuộc vào từng tiêu chí phân loại khác nhau mà sẽ có các loại đầu tư công tương ứng.
5.1 Xét theo tiêu chí nguồn vốn, đầu tư công bao gồm 5 loại:
- Đầu tư công sử dụng vốn NSNN (bao gồm cả vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước)
- Đầu tư công sử dụng vốn có nguồn gốc ngân sách
- Đầu tư công sử dụng nguồn vốn ODA
- Đầu tư công sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ, chính quyền địa phương.
- Đầu tư công sử dụng nguồn vốn hỗn hợp
5.2 Xét theo tính chất của dự án, đầu tư công gồm 2 loại:
- Đầu tư công theo dự án có xây dựng công trình
- Đầu tư công theo dự án không có xây dựng công trình.
5.3 Xét theo mục tiêu và phạm vi đầu tư, đầu tư công gồm 2 loại:
- Đầu tư công vào các hoạt động vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, không nhắm tới mục tiêu lợi nhuận nên không có khả năng hoàn vốn trực tiếp. Các loại hình đầu tư này bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, hỗ trợ thu hút các nguồn vốn khác,…
- Các hoạt động đầu tư nhằm mục tiêu lợi nhuận. Điển hình như đầu tư thành lập DNNN thực hiện các dự án đầu tư công, đầu tư thông qua các tổ chức kinh tế do Nhà nước lập ra (như Nhà máy thủy điện Sơn La, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC)
6. Nguyên tắc đầu tư công
Nguyên tắc quản lý đầu tư công là gì được quy định tại điều 12 Luật đầu tư công năm 2019 như sau:
Điều 12. Nguyên tắc quản lý đầu tư công
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
2. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
4. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
5. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.Các hành vi bị cấm trong đầu tư công
7. Nội dung quản lý Nhà nước về đầu tư công
Điều 13 Luật đầu tư công 2019 cũng quy định rất rõ về các nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công, cụ thể:
Điều 13. Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công
1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách đầu tư công.
3. Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
4. Đánh giá hiệu quả đầu tư công; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, việc tuân thủ kế hoạch đầu tư công.
5. Xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư công.
7. Hợp tác quốc tế về đầu tư công.
8. Quy định về tính công khai, minh bạch trong đầu tư công
Điều 14 Luật đầu tư công cũng quy định rõ ràng về nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, bao gồm 11 nội dung sau:
- Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;
- Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công;
- Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
- Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;
- Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư;
- Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án;
- Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công;
- Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án;
- Tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án;
- Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án;
- Quyết toán vốn đầu tư công.
Lưu ý: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.
9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công
Căn cứ tại Điều 16 Luật đầu tư công 2019 có quy định về các hành vi bị cấm trong đầu tư công đó là:
- Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không cân đối được nguồn vốn đầu tư.
Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công. - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.
- Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
- Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
- Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
- Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án.
- Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.
- Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
- Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.
Nguồn: Tổng hợp