CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) đã công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2022 với doanh thu đạt 306,7 tỷ đồng, giảm gần 51% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 15,4% lên 18,8% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 57,6 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu giảm do thị trường sắt thép biến động mạnh, sản xuất giảm do Trung Quốc cắt giảm sản lượng và ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraina làm cho giá cả của ngành thép trên thị trường thế giới giảm đáng kể dẫn đến thị trường Việt Nam cũng giảm theo tương tự.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến từ 5,6 tỷ đồng lên 63,7 tỷ đồng chủ yếu do trong kỳ ghi nhận 59,5 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia so với cùng kỳ chỉ 240 triệu đồng. Mặt khác, chi phí tài chính cũng tăng gấp 6 lần lên 64,6 tỷ đồng do dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 54,4 tỷ đồng trong khi con số cùng kỳ chỉ 2,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Thép Tiến Lên lãi ròng 47,3 tỷ đồng, giảm gần 12% so với quý 2/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 1.211,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 84,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,5% và 3,8% so với cùng kỳ. Dòng tiền vẫn là vấn đền lớn với doanh nghiệp thép khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng âm hơn 179 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Thép Tiến Lên đã tăng nhẹ 4,4% so với đầu năm lên 2.114 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho cuối kỳ đạt 890 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 684,5 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản. Nợ vay ngắn hạn tăng 43,5% so với đầu năm lên lên gần 520 tỷ đồng và chiếm 1/4 tổng tài sản. Doanh nghiệp không có nợ dài hạn.
Đáng chú ý, Thép Tiến Lên tiếp tục rót thêm tiền đầu tư chứng khoán, giá trị khoản chứng khoán kinh doanh thời điểm cuối quý 2 đạt 148,3 tỷ đồng, tăng 11,8 tỷ đồng so với cuối quý 1 và tăng 51,6 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ còn lại 86,8 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ lên đến hơn 61 tỷ đồng. Con số này thời điểm cuối năm 2021 mới chỉ ở mức 3,9 tỷ đồng trên giá gốc gần 97 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư đáng chú ý trong danh mục gồm cổ phiếu VIX (21,2 tỷ đồng), trích lập dự phòng 12,8 tỷ đồng; cổ phiếu SHB (23,5 tỷ đồng), trích lập dự phòng gần 10 tỷ đồng; cổ phiếu IJC (18,2 tỷ đồng), trích lập dự phòng 7,7 tỷ đồng và các cổ phiếu khác (85,4 tỷ đồng), trích lập dự phòng 31,1 tỷ đồng.