Tập đoàn gọi xe hàng đầu Trung Quốc – Didi vừa thông báo vào ngày 3 tháng 13 rằng, họ sẽ hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York và đang có ý định bán cổ phiếu tại Hồng Kông.
Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi ông lớn công nghệ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra mắt công chúng), sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, Didi đã đi đến quyết định hủy niêm yết tại Mỹ.
Trước thông báo của Didi chưa đầy 24 giờ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cũng đã hoàn thiện các quy tắc cho phép doanh nghiệp này hủy niêm yết cổ phiếu nước ngoài khi không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán.
Sau khi thông báo được đưa ra, cổ phiếu của gã khổng lồ Didi đã giảm 44% so với thời điểm IPO vào ngày 30 tháng 6 trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 2 tháng 12 ở mức 7,80 USD.
Vào tuần trước, khi giới chức Trung Quốc đưa ra yêu cầu chưa có với Didi – hủy niêm yết tại Mỹ, cổ phiếu của tập đoàn gọi xe đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý của Mỹ được cho là cũng đồng tình với yêu cầu này của Trung Quốc, trước những lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.
Theo hệ thống nghiên cứu FactSet, hành động hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York sẽ đặt lượng cổ phần khổng lồ (khoảng 30%) do Uber và Softbank nắm giữ tại Didi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vào ngày 3 tháng 12, cổ phiếu của công ty viễn thông đa quốc gia SoftBank tại Nhật Bản đã chứng kiến mức giảm 2,5%.
Didi không phải cái tên duy nhất của làn sóng chống độc quyền
Các nhà quản lý Trung Quốc đã từng cân nhắc nhiều hình phạt dành cho Didi, khi tập đoàn gọi xe thúc đẩy IPO mà không giải quyết các vấn đề tồn đọng về an toàn dữ liệu. Sở dĩ có những động thái gay gắt này bởi vì Didi là ứng dụng gọi xe hàng đầu tại Trung Quốc, tập đoàn này có trong tay rất nhiều dữ liệu về người dùng và các tuyến đường du lịch trong nước.
Sau khi thông báo này được công bố, vào ngày 3 tháng 12, ông Aaron Costello, người phụ trách khu vực châu Á tại Cambridge Associates cho biết:
“Tôi nghĩ Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không còn muốn các công ty công nghệ của mình niêm yết tại các thị trường chứng khoán Mỹ nữa, bởi vì điều đó khiến họ thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý tại Mỹ. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, đa phần các công ty công nghệ được niêm yết tại Mỹ sẽ dựa vào Hồng Kông hoặc đại lục”.
Trước thông tin Didi sẽ bán cổ phiếu tại sàn chứng khoán ở Hồng Kông, Sở giao dịch Hồng Kông không có bất cứ bình luận gì về vấn đề này.
Trong năm 2021 vừa qua, Trung Quốc đã có những động thái kiên quyết để đàn áp những ông lớn công nghệ của nước này. Điển hình như Ant Group, gã khổng lồ của thị trường thanh toán điện tử tại Trung Quốc đã phải hoãn đợt IPO đầu tiên vào cuối năm ngoái, trong bối cảnh các cơ quan quản lý tung ra một loạt quy định mới, từ lĩnh vực chống độc quyền cho đến các nền tảng internet và củng cố luật bảo vệ dữ liệu.
Ant Group không phải nạn nhân duy nhất trong trận càn quét của Bắc Kinh, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc Meituan cũng “ngậm ngùi” chịu án phạt chống độc quyền.