Trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhất là các điều khoản loại trừ.
Bất cập trong Luật Kinh doanh bảo hiểm
Sau 20 năm thực thi, Luật kinh doanh bảo hiểm đã tạo khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nó cũng góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, nó còn trở thành kênh huy động vốn quan trọng và dài hạn của nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, Luật này hiện cũng bộc lộ những bất cập như không còn thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các Luật hiện hành.
Trong đó, còn tồn tại tình trạng thông tin chưa được minh bạch, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro. Các đại lý môi giới bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm dẫn đến việc thanh toán bảo hiểm gây khó khăn cho người dân.
Ngoài ra, chất lượng các sản phẩm bảo hiểm còn được đánh giá là chưa cao.
Quốc hội đã nhất trí đưa dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội trong các năm 2021-2022. Dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo, nghiên cứu, triển khai xây dựng nội dung, hồ sơ công phu, chi tiết.
Mới đây nhất, UBKT của Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật hồ sơ Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Những quy định không thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự hiện hành, hoặc một số quy định chưa theo kịp với quốc tế như: Quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, và chưa quy định chặt chẽ về minh bạch hoá các thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khách hàng.
Có thể thấy, nhiều quy định mới được sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay.
Nói về mục tiêu sửa Luật lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, bảo hiểm là lĩnh vực đặc biệt yêu cầu quản lý chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro từ xa, cần bảo đảm quản lý, giám sát công khai, minh bạch.
Bởi thế, việc ban hành luật để phát triển thị trường bảo hiểm, tạo nguồn vốn cho phát triển, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an toàn, an sinh xã hội; tạo đột phá cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và người dân hiểu và tham gia bảo hiểm tích cực, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm để vừa huy động vốn vào thị trường, vừa an dân.
Điểm nhấn trong dự kiến sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm
Dự kiến Luật sửa đổi gồm 8 Chương, 156 Điều, Dự thảo luật cụ thể hóa 7 nhóm chính sách về Hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quản lý tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
So với luật cũ, trong lần sửa đổi này, đối tượng áp dụng mở rộng hơn gồm tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm cũng được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.
Quy định các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc. Việc giới hạn lại nhằm phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhất là các điều khoản loại trừ (điều khoản khiến cho khách hàng không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm). Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi thì có.
Theo ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, để giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của khách hàng, Dự thảo đã bổ sung nội dung này.
Theo ông, bằng chứng xác nhận có thể là một văn bản riêng, có thể là chữ ký của bên mua bảo hiểm tại Giấy yêu cầu bảo hiểm xác nhận về việc đã được giải thích về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm cả điều khoản loại trừ bảo hiểm hoặc cũng có thể là bằng chứng khác để phù hợp cả trong trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm điện tử.
Được biết, theo thông lệ quốc tế, các nước còn có quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải có thư lưu ý khách hàng về các nội dung quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm, trong đó gồm có điều khoản loại trừ.
Đương nhiên, phía bên mua bảo hiểm cũng phải nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Luật này. Việc này giúp tránh để xảy ra tranh chấp khi có sự kiện bảo hiểm.
Cát Anh