Chính phủ nhận định, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng và những thách thức.
Nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ
Tốc độ tăng trưởng quý III giảm sâu, kéo tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42% nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm.
Sản xuất khu vực nông nghiệp là một trong những điểm sáng của nền kinh tế, giữ vai trò trụ đỡ trong đại dịch. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.
Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. An ninh lương thực, thực phẩm vì thế được đảm bảo.
Trên 70% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV. Ngành này cũng là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Vốn FDI đăng ký 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó số các dự án quy mô lớn tăng mạnh.
An sinh xã hội cũng phát huy vai trò của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, đã có trên 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15 nghìn tỷ đồng. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vaccine.
Cần những giải pháp đồng bộ
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được thì nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, chi phí tăng cao, một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Trước đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 30/9/2021 ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2020 (56,33%), tỷ lệ giải ngân này thấp hơn.
Rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mới có có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Đến hết tháng 9/2021, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Việc làm, sinh kế, đời sống một bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát…
Bài toán đặt ra là cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý, khắc phục.
Sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Nhiệm vụ những tháng cuối năm được đánh giá là hết sức nặng nề. Vì vậy, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển KTXH.
Cát Anh