Điểm tin doanh nghiệp: TCM lần đầu lãi trong năm, TVB nâng tầm, GAS đầu tư hạ tầng. Để đảm bảo nguồn nhập khẩu, trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, PV GAS nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng để từ năm 2022 nhập khẩu LNG bù đắp cho nguồn khí trong nước.
Dệt may TCM có lãi trở lại trong tháng 10, nhận đơn hàng đến quý II/2022
Dệt may TCM lãi 1,8 tỷ đồng trong tháng 10, có lãi sau 2 tháng lỗ liên tiếp. Doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý II/2022.
Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) công bố doanh thu tháng 10 đạt 11,6 triệu USD (262 tỷ đồng), tăng 19,6% và tăng 46% so với tháng 9; lãi sau thuế 79.034 USD (1,8 tỷ đồng), giảm 90,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 2 tháng lỗ liên tiếp, doanh nghiệp đã có lãi trở lại.
Doanh nghiệp cho biết từ đầu tháng 10 đã bỏ dần hình thức làm việc “3 tại chỗ”, doanh thu được cải thiện. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và quản lý vẫn còn cao so với cùng kỳ do các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 10 được sản xuất từ tháng 9 – thời điểm vẫn còn làm việc theo phương thức 3 tại chỗ. Bên cạnh đó, số công nhân quay lại làm việc trong 2 tuần đầu tháng 10 đạt khoảng 86% nên năng suất chưa hồi phục so với trước đại dịch, biên lợi nhuận của mảng sản phẩm may chưa đạt kỳ vọng.
Lũy kế 10 tháng, doanh thu đạt 125,6 triệu USD tương đương cùng kỳ; lãi sau thuế gần 5 triệu USD, giảm 46%. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận.
Doanh nghiệp thông tin đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý II/2022. Đơn vị đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 và mang lại doanh thu, lợi nhuận trong thời gian tới. TCM đã vừa hoàn tất việc đánh giá (audit) nhà máy và ký kết hợp đồng với một đối tác của Mỹ – là thương hiệu thời trang lớn, kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại đơn hàng lớn trong thời gian tới.
***Tổng hợp tin doanh nghiệp tuần 8 – 14/11***
TVB tăng trần sau khi thông qua nâng kế hoạch kinh doanh và chào bán cho NĐT chiến lược
Ngày 12/11/2021, CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2021. Nhiều nội dung quan trọng như nâng kế hoạch kinh doanh 2021, chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược đã được thông qua tại ĐHĐCĐ lần này. Ngay sau Đại hội, từ đầu phiên 15/11, cổ phiếu TVB thể hiện sự tích cực với đà tăng trần.
Điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh 2021
Sau 9 tháng hoạt động bùng nổ đầu năm 2021, TVB đã mang về 326 tỷ đồng doanh thu (vượt 36% kế hoạch đầu năm) trong đó doanh thu hoạt động đạt 305.1 tỷ đồng và thu nhập khác là 21 tỷ. Lợi nhuận sau thuế đạt 201.9 tỷ, gấp 3.7 lần so với cùng kỳ, vượt 101% so với kế hoạch ban đầu.
Với những thành tích đã đạt được trong 9 tháng đầu năm và triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam, ĐHĐCĐ đã nhất trí thông qua điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể, doanh thu năm 2021 là 450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, tăng lần lượt 88% và 200% so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, giá 30,000 đồng/cp
Đại hội đã nhất trí thông qua một nội dung quan trọng khác là điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài của TVB từ 75.6% xuống 30%, đồng thời thông qua kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với mức giá tối thiểu 30,000 đồng/cổ phần, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược là 30%.
Nói về phương án chào bán cho cổ đông chiến lược, ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT TVB cho biết Công ty đang tiếp xúc đàm phán với một vài đối tác nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ về việc chào bán cho cổ đông chiến lược.
Trong đó, một nhà đầu tư là nhà đầu tư tài chính đang đàm phán mua 10% cổ phần, ban đầu nhà đầu tư họ cũng chỉ muốn mua khoảng 10% và sau đó mới tăng tỷ lệ sở hữu. Có một nhà đầu tư chiến lược lớn thì đang xem xét chào phương án mua tối đa 20% cổ phần.
Theo ông Tùng, TVB là bên bán ban đầu cũng sẽ chỉ bán tối đa 20% và sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 30% nếu quá trình hợp tác của hai bên hiệu quả như ý.
TVB cũng sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ trước rồi thực hiện chào bán cho cổ đông chiến lược, như vậy thì quy mô của giao dịch mới đạt tiêu chuẩn của họ. Với quy mô vốn khoảng 2,000 tỷ đồng, thì tỷ lệ chào bán tối đa 20% sẽ khoảng 400 tỷ đồng theo mệnh giá, với mức giá gấp 3 lần thì giao dịch sẽ đạt tối đa 1,200 tỷ đồng, đây là quy mô hợp lý với định chế tài chính nước ngoài, đồng thời cũng mang lại thặng dư vốn lớn, nâng cao giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Theo đề xuất của cổ đông, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc tăng vốn cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 lên hơn 2,000 tỷ đồng để nâng cao quy mô năng lực tài chính của công ty trước khi bán cho cổ đông nước ngoài.
Tại đai hội, Tổng Giám đốc Đỗ Đức Nam khẳng định việc tăng vốn làm cho hoạt động kinh doanh của TVB hiệu quả hơn, dựa vào hoạt động thời gian qua. Với quy mô của TTCK hiện nay, Ban lãnh đạo tự tin rằng Công ty gia tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng thì hoạt động kinh doanh càng hiệu quả hơn.
Ông Nam nói thêm, trong năm 2021, TVB đã thực hiện 2 lần phát hành cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ từ 547 tỷ đồng lên 1,067 tỷ đồng. Lợi nhuận 9 tháng 2021 đạt 201 tỷ đồng, bằng 2.7 lần lợi nhuận cả năm 2020 đã chứng tỏ kinh doanh hiệu quả.
Các nghiệp vụ tự doanh, cho vay margin, cũng như quản lý tài sản của công ty hoạt động rất hiệu quả, nên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn tốc độ tăng trưởng vốn, do đó chỉ số EPS liên tục tăng trưởng, không bị hiệu ứng pha loãng cổ phiếu do tăng vốn.
Cụ thế, chỉ số EPS 4 quý liền kề đạt 3,054 đồng/cp, và EPS dự phóng cả năm 2021 có thể đạt 4,000 đồng/cổ phiếu. So với mặt bằng công ty chứng khoán thì quy mô vốn TVB còn khiêm tốn, và nếu công ty nào yếu thế trong tiềm lực tài chính thì hiệu quả kinh doanh lại không cao do tỷ trọng chi phí đầu tư và chi phí cố định lớn.
Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng cho rằng so với mặt bằng chung giá cổ phiếu các công ty chứng khoán lớn trên thị trường đang ở mức 4x đến 7x, các công ty chứng khoán cùng quy mô TVB có mức giá 3x thì mức giá hiện tại của TVB (25,000 – 26,000 đồng/cp, ngày 12/11) chưa phản ánh đầy đủ giá trị nội tại của công ty.
Theo ông Tùng, thị trường hiện đang định giá cổ phiếu TVB thấp có thể do đánh giá TVB là công ty nhỏ, tiềm lực tài chính chưa vững mạnh. Trong thời gian qua TVB đang ngày càng mạnh và vững, các hoạt động kinh doanh chính đều tăng trưởng tốt và bền vững.
Chỉ số EPS là chỉ số cơ bản nhất để đánh giá năng lực của doanh nghiệp, đang thể hiện hiệu quả sinh lời ở mức tốt (Hiện với EPS trượt 4 quý là hơn 3,000 đồng/cp, EPS dự phóng 2021 đạt 4,000 đồng/cổ phiếu).
Mức P/E hiện nay khoảng 7 – 8 lần thấp hơn so với P/E bình quân 15 lần của thị trường. Khi TVB ngày càng phát triển, vững về quy mô, mạnh về tiềm lực, thực hiện xong phương án tăng vốn được ĐHĐCĐ vừa thông qua, thì thị trường sẽ định giá P/E ở mức bằng hoặc thậm chí cao hơn mức P/E của các công ty chứng khoán cùng quy mô.
GAS: PV GAS hoàn thiện hệ thống hạ tầng để nhập khẩu LNG từ năm 2022
Để đảm bảo nguồn nhập khẩu, trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, PV GAS nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng để từ năm 2022 nhập khẩu LNG bù đắp cho nguồn khí trong nước.
Nhanh chóng nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia là mục tiêu mà Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nhằm phát huy vai trò chủ đạo, dẫn dắt ngành công nghiệp Khí.
Để đảm bảo nguồn nhập khẩu, tàng trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, PV GAS đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng để từ năm 2022 bắt đầu nhập khẩu LNG bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm; chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí tại Việt Nam.
*Hiện thực hóa Chiến lược năng lượng quốc gia về LNG
PV GAS cho biết, LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng. Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn, LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170.000 m3 đến 260.000 m3; trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155.000 m3 đến 170.000 m3.
Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tại Nghị quyết 55-NQ/TW được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp cụ thể đối với ngành công nghiệp khí.
Theo đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG; phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống…
Cùng đó, Quyết định 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt tại Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh; trong đó xác định rõ, thị trường khí năm 2021 đến 2025 cần được xây dựng và phát triển trên nguyên tắc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước chuyên ngành (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam).
Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 cũng đã xác định rõ quan điểm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai nhập khẩu LNG và hội nhập với thị trường khí trong khu vực, thế giới; nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng tiếp nhận, nhập khẩu LNG với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đồng thời, hình thành và triển khai các dự án hợp tác sản xuất LNG ở nước ngoài, vận chuyển và phân phối tại Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp, PV GAS nhận xét, Nghị quyết 55-NQ/TW, Quyết định 2233/QĐ-TTg, Quyết định 60/QĐ-TTg đều đã xác định rất rõ nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Bởi vậy, khi thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG và các khâu liên quan để nhập khẩu từ năm 2022 với mục tiêu phân phối an toàn, hiệu quả toàn bộ nguồn khí, LNG trong nước và nhập khẩu.
Cùng đó, PV GAS cũng xây dựng chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí, LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng cũng như chủ động nghiên cứu làm việc với các hộ tiêu thụ tiềm năng trong tương lai; trong đó, các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng trên 70%; tăng cường phát triển các khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị khoảng gần 30%.
* Chuẩn bị nguồn nhập và thị trường tiêu thụ LNG
Trong định hướng phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí, PV GAS xác định tập trung đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực chính, cốt lõi, đảm bảo hiệu quả; ưu tiên đầu tư hạ tầng nhập khẩu và tiêu thụ LNG; tối ưu hóa hệ thống hạ tầng có sẵn; xác định danh mục hạ tầng năng lượng có thể dùng chung và cơ chế dùng chung.
Dựa trên cơ sở đó, PV GAS tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG nhập khẩu nhằm bổ sung nguồn cung cấp khí cho thị trường tiêu thụ; trong đó, PV GAS và PVN đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải.
Tính đến nay, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý III/2022. Các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… cũng đang triển khai tích cực, đảm bảo hoàn thành đồng bộ.
PV GAS sẽ tập trung nguồn lực phát triển đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc. Theo tính toán, mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: khu vực miền Nam với dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm; khu vực miền Trung là Kho chứa LNG Sơn Mỹ và khu vực miền Bắc tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Hiện PV GAS tiếp tục phát triển đường ống vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí đến các hộ tiêu thụ trên cơ sở tận dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu. Trong số đó, tại khu vực Đông Nam bộ, PV GAS xây dựng hệ thống đường ống LNG đấu nối từ đầu ra Kho chứa LNG Thị Vải vào các hệ thống đường ống hiện hữu; nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông – Tây để nâng công suất vận chuyển và mở rộng hạ tầng phân phối khí LNG đến các hộ tiêu thụ khí LNG cho cả khu vực này.
Đối với Kho chứa LNG Sơn Mỹ, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối tại miền Trung; đầu tư đường ống kết nối để vận chuyển LNG từ Sơn Mỹ, Ninh Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối vào hạ tầng hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ.
Tại khu vực phía Bắc, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối khí từ đầu ra kho LNG tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa và có tính đến việc kết nối, tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình để vận chuyển, cung cấp khí cho khách hàng.
Nhằm sử dụng tối ưu hệ thống hạ tầng khí, PV GAS thực hiện quy hoạch các cảng xuất nhập LNG thành cảng hỗn hợp có bổ sung thêm chức năng xuất nhập sản phẩm lỏng và dịch vụ logistics để tận dụng hạ tầng kho cảng, cũng như hành lang tuyến ống hiện hữu để chủ động cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Riêng về nguồn nhập khẩu LNG, PV GAS tập trung chuẩn bị cả nguồn ngắn và trung hạn. Hiện doanh nghiệp đã ký 6 Hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến (MSPA) với các nhà cung cấp LNG.
Khâu tiêu thụ LNG cũng được PV GAS triển khai tích cực thông qua việc tập trung xây dựng cơ chế giá, cước phí cho sản phẩm LNG tái hóa, theo từng nguồn nhập khẩu và đối tượng khách hàng; đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng, đơn vị kinh doanh và tiếp tục tìm kiếm khách hàng có nhu cầu mua LNG để tăng sản lượng tiêu thụ; xây dựng chiến lược phát triển thị trường của PV GAS theo từng giai đoạn (ngắn, trung, dài hạn) và chiến lược kinh doanh của các đơn vị thành viên.
Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS đã chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan như công thương, tài chính, hải quan… để chuẩn bị thủ tục liên quan đến nhập khẩu, cũng như đảm bảo quy định an toàn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm LNG nhập khẩu.
Việc chuẩn bị nhập khẩu và phát triển LNG đang được PV GAS triển khai tích cực, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng quốc tế.
Chiến lược phát triển mảng năng lượng LNG cũng góp phần quan trọng, nhằm nâng cao vị thế của PV GAS; giúp doanh nghiệp tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong và khẳng định vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí nói chung và lĩnh vực LNG tại Việt Nam nói riêng./.