Điểm tin doanh nghiệp 21/10: DHG lãi quý tăng 21%, HPG lãi 10.350 tỷ đồng quý III, VJC khôi phục bay. Từ 21/10, Vietjet sẽ khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến 30/11, mạng bay của Vietjet sẽ mở lại với 48 đường bay, phục vụ hành khách bay khắp Việt Nam. Vé 0 đồng liên tục được mở bán trên website Vietjet.
Dược Hậu Giang (DHG) lãi quý tăng 21%,9 tháng hoàn thành 82% kế hoạch năm
Doanh thu tăng 10%, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 21% đạt hơn 201 tỷ đồng trong quý III. Luỹ kế 9 tháng, lãi trước thuế đạt 675 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, hoàn thành 82% kế hoạch.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí là chi phí bán hàng với 179,8 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính duy trì ở mức 24,2 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm nhẹ 7% xuống gần 63 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 21% đạt hơn 201 tỷ đồng. EPS tăng 21% lên 1.482 đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần gần 2.910 tỷ đồng và phần lãi trước thuế đạt 675 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, DHG lên kế hoạch 3.970 tỷ đồng doanh thu và 821 tỷ lợi nhuận trước thuế. Lãnh đạo hãng dược cho biết doanh thu dự kiến tăng trưởng khoảng 4% nhưng lợi nhuận đi ngang do dự trù sụt giảm khoản thu tài chính từ lãi tiền gửi. Như vậy, công ty dược phẩm hoàn thành 73% chỉ tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Tại ngày 30/9, quy mô tài sản tăng 2% lên 4.538 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 80%, tương đương 3.636 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn giảm 26% xuống 366 tỷ, phần lớn là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 312 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tăng 14% so với đầu năm, ở mức 940,5 tỷ đồng. Hầu hết hàng tồn kho là các nguyên vật liệu sản xuất. Tài sản dài hạn giảm 7% xuống gần 902 tỷ đồng .
Về nguồn vốn, nợ vay ngắn hạn ngân hàng tăng 73% lên hơn 366 tỷ đồng. Theo thuyết minh, các khoản vay này chịu lãi suất từ 0,18% đến 0,29% một tháng. Doanh nghiệp không vay nợ tài chính dài hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 10%.
Nửa đầu năm nay, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 40%. Hai cổ đông lớn là hãng dược Taisho và SCIC nhận lần lượt 266 tỷ và 226 tỷ đồng. Hiện Taisho đang nắm giữ 51,01% vốn, trong khi SCIC sở hữu 43,31% cổ phần.
Hòa Phát (HPG) lãi 10.350 tỷ đồng quý III, đầu tư lớn vào mảng điện gia dụng
Hòa phát vượt 45% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng. Doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực điện gia dụng để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc.
Lợi nhuận sau thuế 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước – đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử. Quý II, doanh nghiệp đạt lãi sau thuế 9.745 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 105.800 tỷ đồng, tăng 60%; lãi sau thuế 27.100 tỷ đồng, tăng 200%. Hòa Phát vượt 45% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Sản lượng thép thô 9 tháng đạt 6,1 triệu tấn, tăng 50%; sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 50%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%; thép cuộn cán nóng 2 triệu; tôn 273.000 tấn, gấp 2,6 lần; ống thép giảm 12% xuống 498.000 tấn.
Từ quý IV, tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát với mục tiêu đầu tư lớn, bài bản vào ngành điện máy gia dụng để đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành thương hiệu điện lạnh, hàng gia dụng số 1 Việt Nam và hướng ra xuất khẩu.
Hòa Phát có công ty hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát. Đơn vị này thành lập 2001, chuyên sản xuất tủ lạnh, tủ đông, tủ mát thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Điện lạnh Hòa Phát có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 99,7% vốn thuộc sở hữu Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát.
Như vậy, với định hướng mới này, tập đoàn cơ cấu lại hoạt động trong 5 lĩnh vực gồm gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng), sản phẩm thép (ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực), nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng.
Vietjet (VJC) khôi phục 48 đường bay nội địa đón khách trên những chuyến bay xanh
Từ 21/10, Vietjet sẽ khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến 30/11, mạng bay của Vietjet sẽ mở lại với 48 đường bay, phục vụ hành khách bay khắp Việt Nam. Vé 0 đồng liên tục được mở bán trên website Vietjet.
Từ 21/10, Vietjet sẽ khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP HCM với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáp ứng nhu cầu di chuyển an toàn, nhanh chóng của người dân. Trong đó, các đường bay kết nối giữa TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày. Đến 30/11, mạng bay của Vietjet sẽ mở lại với 48 đường bay, phục vụ hành khách bay khắp Việt Nam.
Đường về gần hơn với những hành trình bay “xanh”, an toàn và thuận tiện, Vietjet tiếp tục dành tặng hàng ngàn vé Eco 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) khách hàng, đặc biệt dành cho người lao động tại các tỉnh, thành phố quay trở lại TP HCM và các tỉnh phía Nam để ổn định sản xuất, quay trở lại với cuộc sống bình thường, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.
Vietjet cũng hỗ trợ xét nghiệm nhanh Covid-19 miễn phí cho toàn bộ hành khách bay từ TP HCM và từ 22/10 miễn phí xét nghiệm cho hành khách bay từ Hà Nội.
Khách hàng bay cùng Vietjet cũng sẽ nhận được những phần quà may mắn cùng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ được Vietjet mang tới cho hành khách trên các chuyến bay trong thời gian tới như các món ăn thực dưỡng, đồ uống tốt cho sức khỏe như trà gừng, hướng dẫn theo dõi sức khỏe phòng chống dịch, hướng dẫn các bài tập yoga, các sản phẩm chăm sóc phụ nữ có thai, chăm sóc sức khỏe mùa dịch, các sản phẩm bảo hộ chống dịch và vệ sinh kháng khuẩn…