Điểm tin doanh nghiệp: PVT, PHP, VNG. Sau 9 tháng đầu năm VNG đã thực hiện được gần 75% mục tiêu doanh thu đã đề ra cho cả năm.
PVTrans (PVT) chốt quyền chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%
Ngày 12/10 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông và ngày 6/12 thanh toán. Doanh thu và lợi nhuận quý III cùng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ do nhu cầu vận tải thấp trong dịch bệnh.
PVTrans (PVT) thông báo ngày 12/11 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức tiền mặt năm 2020 tỷ lệ 10%, 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngày thanh toán dự kiến 6/12, số tiền chi ra dự kiến 323,6 tỷ đồng.
Năm 2020, PVTrans ghi nhận kết quả kinh doanh tương đương năm 2019 và đều vượt kế hoạch năm. Cụ thể, doanh thu 7.730 tỷ đồng, vượt 25%; lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm. Với kết quả đó, HĐQT trình và được cổ đông thông qua mức chia cổ tức tỷ lệ 10%, thấp hơn mức thực hiện 2019 (19% bao gồm 4% tiền mặt và 15% cổ phiếu).
9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vận tải biển báo cáo doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước đạt 5.288 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 468 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14% lên 17,4% đã thúc đẩy lợi nhuận.
Riêng quý III, doanh thu và lợi nhuận cùng giảm 10% xuống 1.680 tỷ đồng và 153 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải dịch bệnh khiến nhu cầu vận chuyển trong kỳ giảm, nhưng chi phí phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa tăng và phát sinh chi phí chống dịch.
Tại thời điểm cuối kỳ, PVTrans có 736 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 967 tỷ quỹ đầu tư phát triển, vốn điều lệ 3.237 tỷ đồng.
Cảng Hải Phòng (PHP) báo lãi ròng 9 tháng tăng 22%
Nhờ có sự thay đổi cơ cấu mặt hàng và lượng hàng hóa thông qua cảng đã giúp lãi ròng 9 tháng của CTCP Cảng Hải Phòng (PHP) tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 418 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2021, PHP ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt hơn 1,687 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 10%, đạt hơn 118 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay. Ngoài ra, PHP còn ghi nhận gần 33 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết, tăng 55%.
Trong kỳ, chi phí tài chính cũng giảm 58%, xuống còn 9 tỷ đồng, biến động lớn là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, PHP báo lãi ròng hơn 418 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Trong năm 2021, PHP đặt kế hoạch đem về 2,224 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 673 tỷ đồng lãi trước thuế. So với kế hoạch, đơn vị khai thác cảng này đã thực hiện được 76% mục tiêu doanh thu và 97% mục tiêu lãi trước thuế 2021.
Tính riêng trong quý 3, doanh thu thuần đạt hơn 541 tỷ đồng và lãi ròng hơn 118 tỷ đồng, nhích nhẹ không đáng kể so với cùng kỳ.
Tính đến 30/09/2021, tổng tài sản của PHP ghi nhận hơn 5,981 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn gần 2,746 tỷ đồng, tăng 7%, với toàn bộ đến từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Nợ phải trả tại thời điểm này ghi nhận gần 1,157 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là nợ vay dài hạn, chiếm hơn 611 tỷ đồng (giảm 8%). Mặt khác, phải trả người lao động gần 192 tỷ đồng, tăng 14%.
***Điểm tin doanh nghiệp 3/11: HTN, TNH, YEG***
Doanh thu quý của kỳ lân Vinagame (VNG) vượt 2.100 tỷ
Sau 9 tháng đầu năm VNG đã thực hiện được gần 75% mục tiêu doanh thu đã đề ra cho cả năm.
CTCP VNG (Vinagame) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần 2.176 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng; lần lượt tăng 37% và giảm 66,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý III cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm kể từ khi doanh nghiệp công bố số liệu kinh doanh.
Lợi nhuận ròng đạt 170 tỷ đồng, giảm 19% so với quý III năm ngoái.
Còn lãi sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm 119 tỷ đồng có thể do khoản đầu tư vào ZaloPay. Hiện VNG đang nắm giữ gần 60% cổ phần của CTCP Zion – công ty sở hữu ZaloPay.
Trên báo cáo thường niên 2020, VNG đang đầu tư 20 công ty thành viên, trong đó ghi nhận phần lỗ lớn nhất của Zion hơn 666 tỷ đồng. Do đó việc đặt kế hoạch lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng toàn công ty trong năm nay có thể bao gồm khoản lỗ hạch toán từ công ty chủ quản của ZaloPay.
Tuy phần thuyết minh không ghi rõ cơ cấu doanh thu của từng mảng, nhưng theo số liệu đã được công bố trong báo cáo bán niên trước đó, các mảng kinh doanh chính của VNG như dịch vụ trò chơi, quảng cáo trực tuyến,… đều ghi nhận mức tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VNG ghi nhận doanh thu thuần 5.682 tỷ đồng, lãi sau thuế 203 tỷ đồng; lần lượt tăng 28,5% và giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng ba quý đầu năm gần 539 tỷ, tăng 7% so với cùng kì năm 2020.
Năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu 7.609 tỷ đồng, lãi sau thuế âm 619 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, VNG đã thực hiện được 74,5% kế hoạch doanh thu đã đề ra.
Tính đến hết ngày 31/9, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 9.377 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phần tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn là 5.810 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm, chiếm 62% tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 2.815 tỷ đồng. Trong đó nợ vay dài hạn gần 69 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 6.561 tỷ đồng với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 6.757 tỷ đồng.
Trong quý III, tập đoàn VNG đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC với một công ty khác, một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg. Công ty đang làm việc với các cố vấn tài chính để tổ chức thảo luận với các SPAC (Công ty mua lại có mục đích đặc biệt) nhằm tìm ra một deal hợp lý và tiềm năng. Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 – 3 tỷ USD.