Điểm tin doanh nghiệp VTR: Khổ như Vietravel Airlines
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến Vietravel kiệt quệ, “mỗi ngày đẩy một chiếc Camry xuống sông” để nuôi 3 chiếc máy bay “trùm chăn” suốt 4 tháng.
Sau khi được Bộ GTVT cấp phép bay ngày 29/10/2020, Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không nội địa thứ 6 của Việt Nam bên cạnh Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific, VASCO, Bamboo Airways hiện thực hoá “giấc mơ bay”.
Hãng hàng không có trụ sở tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) góp 100% vốn.Vietravel Airlines hiện có 3 máy bay với 200 tiếp viên, phi công.
Thời điểm ra mắt, hãng dự kiến khai thác hơn 40 chuyến bay mỗi tuần với kỳ vọng đạt 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên, được đánh giá là bước tiến quan trọng cho Vietravel trong việc chủ động, không còn phụ thuộc các hãng bên ngoài.
Mặc dù là doanh nghiệp lữ hành thuộc top đầu trên thị trường, song việc thành lập hãng bay của Vietravel vào thời điểm toàn ngành đang gặp khó vì dịch bệnh khiến nhiều người e ngại về sự thành công của hãng này. Đó là chưa kể, Vietravel Airlines ra đời vào thời điểm công ty mẹ Vietravel cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.
Bất chấp những lo lắng của thị trường, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Vietravel từng khẳng định: “Với lợi thế từ nguồn khách có sẵn (hơn 1 triệu khách hàng), Vietravel Airlines hoàn toàn thực hiện khả thi kế hoạch của mình đề ra trong năm đầu tiên với doanh số xấp xỉ 2.000 tỷ (chỉ bằng 55% chi phí vận chuyển bằng hàng không hiện nay Vietravel phải trả cho các hãng hàng không hiện tại). Vì thế, với tôi, vấn đề tài chính của Vietravel Airlines không đáng ngại”.
Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ giữa năm 2021 đã thổi bay toàn bộ dự định của ông chủ Vietravel.
***Điểm tin doanh nghiệp: Thagrico, PV Gas, HNG, SGT 2.600 tỷ đồng***
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, từ khi cất cánh đến nay, hãng không hề có lãi. Thậm chí, tháng 5/2021, đại diện Vietravel phải bác các tin đồn về việc bán Vietravel Airlines để thoát lỗ sau 4 tháng bay. 9 tháng đầu năm 2021, Vietravel chỉ đón khách trong nước, du lịch nội địa; khách quốc tế đã ngưng đón từ tháng 3/2020.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietravel, doanh thu của hãng trước đây là 7.000 – 8.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp có thể không đạt được 10% so với trước đó. “Trước đây, doanh thu Vietravel khoảng 1-1,5 triệu USD/ngày, giờ có ngày nhìn không có đồng nào”.
Ông cho biết tổn thất lớn nhất nằm ở việc duy trì cơ sở vật chất. Ba máy bay của hãng đã nằm đất “trùm chăn” 4 tháng, không phải muốn là dỡ ra là bay do quy định về an toàn bay. Cần lượng tiền lớn để có thể cải thiện trang thiết bị, kiểm tra… rồi mới bay trở lại. “Điều này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn”, ông nói.
“Tôi vẫn nói vui Vietravel Airlines có 3 chiếc máy bay, để nuôi thì 7 ngày đẩy một chiếc Range Rover, mỗi ngày đẩy một chiếc Camry xuống sông”, ông Kỳ cho hay.
***Chọn cổ phiếu nào cho tháng 10/2021?***
Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong suốt 4 tháng giãn cách vì dịch bệnh, Vietravel bay 22 chuyến trong tháng 6, chỉ 3 chuyến trong tháng 7 và không bay chuyến nào trong tháng 8 và tháng 9.
Đến 2024 mới có thể quay trở lại
Vietravel hiện chia quãng thời gian tới làm 3 mốc. Mốc đầu tiên là từ nay đến tháng 6/2022, mốc 2 tiếp đến tháng 6/2023, và mốc 3, từ năm 2024 trở đi mới có khả năng quay trở lại, nhưng với điều kiện mở biên giới. Nếu chỉ mở đường lại du lịch nội địa, khả năng quay của ngành du lịch và hàng không như trước đây rất khó.
Năm 2020, trong 4 ngày từ ngày 23/7, Vietravel phải sơ tán 11.000 khách ra khỏi Đà Nẵng do dịch Covid-19 mà không có nhiều chuẩn bị nên sẽ nhìn lại để rút kinh nghiệm. “Chúng tôi xây dựng kịch bản, chia thời gian để đưa yêu cầu, nhiệm vụ phù hợp vào với mục tiêu của mình cũng như yêu cầu an toàn bay, yêu cầu nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng của nhân viên cũng như người dân”, ông Kỳ nói.
Thời gian nghỉ dịch, Vietravel lên phương án để tái cấu trúc lại cho gọn nhẹ, chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng phục vụ khách khi quay lại. Ngoài ra, xây dựng nhiều kịch bản con lăn để có thể “trượt” theo các quy định được ban hành.
Ngoài ra, Vietravel đang tìm kiếm các cơ hội bằng cách xây dựng kịch bản cụ thể, tư vấn cho chính quyền thành phố. Mới đây nhất là phương án du lịch ở Tp.HCM tại Cần Giờ, Củ Chi để “người thành phố du lịch thành phố”.
“Nhiều người nói Tp.HCM không an toàn, nhưng điều này cần xem lại. Gần 96% người trên 18 tuổi tại Tp.HCM đã tiêm một mũi vắc-xin phòng Covid” và sẽ còn tăng, ông Kỳ đánh giá con số này an toàn để tiếp tục cuộc sống bối cảnh có dịch. Ngành du lịch và hàng không trở lại cũng là cách khiến tâm lý xã hội trở lại bình thường.
Điểm tin doanh nghiệp SMB: Tiêu thụ sụt giảm mạnh trong quý 3, Bia Sài Gòn – Miền Trung báo lãi giảm 60% so với cùng kỳ 2020
Ảnh hưởng của giãn cách xã hội khiến sản lượng tiêu thụ bia của Bia Sài Gòn – Miền Trung (SMB) trong quý 3 giảm mạnh.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung (mã CK: SMB) đã công bố BCTC quý 3/2021 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo đó, riêng quý 3 doanh thu thuần đạt 220 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt gần 54 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với quý 3/2020.
Sau khi trừ các khoản chi phí Bia Sài Gòn – Miền Trung lãi sau thuế 20 tỷ đồng giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình từ phía công ty lợi nhuận quý 3 sụt giảm là do ảnh hưởng việc giãn cách xã hội của dịch bệnh Covid – 19 nên sản lượng tiêu thụ bia giảm 15 triệu lít so với cùng kỳ 2020.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, SMB đạt 816 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, LNST đạt 97,7 tỷ đồng, giảm 11% so với 9 tháng đầu năm 2020, tương đương EPS đạt 3.274 đồng.
Năm 2021, Bia Sài Gòn – Miền Trung đặt mục tiêu đạt 1.315 tỷ đồng doanh thu, tương ứng mức tăng 11,2% so với thực hiện năm trước đó; lãi trước thuế đạt gần 153 tỷ đồng, đi lùi 18,6% so với thực hiện trong năm 2020. Với kế hoạch này, 9 tháng đầu năm 2021, SMB đã hoàn thành 62% kế hoạch doanh thu và 80% mục tiêu LNTT cả năm.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu SMB chốt phiên 8/10 tại mức thị giá 42.900 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường SMB hiện đạt hơn 1.280 tỷ đồng.
Điểm tin doanh nghiệp: Digiworld đặt mục tiêu nửa cuối năm lãi 277 tỷ đồng, cả năm vượt 67% kế hoạch
Doanh thu mục tiêu nửa cuối năm đạt 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận 277 tỷ đồng.Nửa đầu năm, lợi nhuận Digiworld đạt 223 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.
Digiworld (HoSE: DGW) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua mục tiêu kinh doanh 6 tháng cuối năm với doanh thu 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 277 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 73% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, cả năm, doanh nghiệp dự kiến doanh thu 19.225 tỷ đồng, tăng 51% và vượt 28% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, tăng 87% và vượt 67% kế hoạch năm.
Nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 9.224 tỷ đồng doanh thu, tăng 89%; lãi sau thuế 223 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, Digiworld đặt mục tiêu nửa cuối năm doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 10% và 24,2% so với thực hiện nửa đầu năm bất chấp dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý III.
Hầu hết các ngành hàng đều tăng trưởng trong nửa đầu năm như thiết bị văn phòng tăng 125%, điện thoại di động 118%, máy tính xách tay và máy tính tăng tăng 45%. Trong cơ cấu doanh thu, điện thoại di động vẫn đóng góp lớn nhất chiếm tỷ trọng 54%. Đơn vị lý giải sự tăng trưởng của ngành hàng này là do thị phần gia tăng của Xiaomi cùng sự đóng góp doanh thu từ các dòng iPhone của Apple.
Trong tháng 8, doanh nghiệp vừa hoàn tất phát hành 44,2 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phân phối 1:1. Vốn điều lệ Digiworld tăng từ 443,5 tỷ đồng lên 885,5 tỷ đồng. Hơn 44,2 triệu cổ phiếu này sẽ chính thức được giao dịch từ 12/10.
Doanh nghiệp sẽ phát hành tiếp 500.000 cổ phiếu ESOP, chiếm 0,57% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Giá phát hành 40.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời điểm thực hiện quý IV. Sau phương án phát hành ESOP, vốn công ty dự kiến tăng lên 890,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu DGW chốt phiên ngày 9/10 ở 115.900 đồng/cp, tăng 88% trong vòng gần 3 tháng qua.