Điểm tin doanh nghiệp: KKR muốn thoái vốn Masan MEATLife, chấp nhận lỗ hàng chục triệu USD sau hơn 4 năm đầu tư?
KKR đầu tư 150 triệu USD đổi lấy 7,5% cổ phần Masan Nutri-Science – tiền thân của Masan MEATLife, hiện nay giá trị thị trường chỉ xấp xỉ 96 triệu USD.
Cổ đông VN Consumer Meat II vừa đăng ký bán hơn 23,16 triệu cổ phiếu CTCP Masan MEATLife (UPCoM: MML), toàn bộ số cổ phiếu hiện đang nắm giữ, tương ứng 7,1% vốn điều lệ. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thoả thuận, dự kiến từ 11/10/2021 đến 9/11/2021.
VN Consumer Meat II (Singapore) chính là tổ chức trực thuộc KKR, công ty đầu tư nổi tiếng của Mỹ.
Cổ phiếu MML hiện đang ở mức giá 94.000 đồng mỗi đơn vị, tạm tính giá trị giao dịch vào khoảng 2.177 tỷ đồng (gần 96 triệu USD theo tỷ giá hiện tại).
KKR đầu tư vào Masan Group vào tháng 4/2017 với tổng số tiền 250 triệu USD. Thời điểm đó, 100 triệu USD dành cho việc mua cổ phần Masan Group từ PENM Partners và 150 triệu USD đổi lấy 7,5% cổ phần Masan Nutri – Science, tiền thân của Masan MEATLife.
Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, khoản đầu tư vào Masan MEATLife đã lỗ tương đối nặng, xấp xỉ 50 triệu USD (hơn 30%). Kể từ thời điểm giao dịch trên UPCoM vào cuối năm 2019 với giá tham chiếu 80.000 đồng, cổ phiếu MML tính đến nay chỉ tăng 17,5%, một hiệu suất tương đối đáng thất vọng.
Trước đó, KKR từng đầu tư 359 triệu USD vào cổ phần Masan Consumer, một thành viên khác của Masan Group. Ước tính khi thoái vốn KKR đã lãi gần gấp đôi với khoản đầu tư này.
Pha “cắt lỗ” cổ phiếu MML của KKR đến trong bối cảnh công ty con của Masan Group đang có kế hoạch tái cấu trúc và tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng mảng kinh doanh thịt.
***Điểm tin doanh nghiệp: PAN, EVF, VPH bị đình chỉ kinh doanh bất động sản 12 tháng***
Để có nguồn lực về vốn thực hiện kế hoạch này, Masan MEATLife muốn phát hành lượng trái phiếu riêng lẻ tổng giá trị 7.284 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là các cổ đông công ty (chốt quyền ngày 31/8/2021) và đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
MML cho biết sẽ thanh toán trái phiếu bằng cổ phần MNS Feed – đây chính là công ty con phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. MML có thể chuyển quyền sở hữu tối đa toàn bộ số cổ phần đang lưu hành của MNS Feed do công ty sở hữu (tương đương 99,99%) cho trái chủ, tất cả lãi liên quan đến trái phiếu sẽ bị hủy bỏ. Mức giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cp MNS Feed, sẽ được điều chỉnh tương ứng khi công ty này phát hành cổ phần để trả cổ tức hoặc phát hành cổ phần tăng vốn.
Danh sách cổ đông lớn của MML tại ngày 31/12/2020 gồm có Masan Group (nắm 78,74% cổ phần MML), Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (nắm 9,12% cổ phần MML) và VN Consumer Meat II (nắm 7,09% cổ phần MML).
Điểm tin doanh nghiệp VC9: Công ty Vinaconex 9 có bỏ quên quyền lợi khách hàng?
Chủ đầu tư chưa được cơ quan thuế xác định nghĩa vu tài chính, chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, hàng trăm cư dân CT.B Vinaconex 9 TP. Vinh (Nghệ An) 10 năm qua vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Tòa nhà chung cư CT.B tại xã Nghi Phú, TP. Vinh do Công ty CP Xây dựng số 9 (còn gọi là Vinaconex 9 có địa chỉ phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm chủ đầu tư được hoàn thành, mua bán – chuyển nhượng cho cư dân vào ở, sinh sống từ gần 10 năm trước với cam kết sẽ sớm cấp quyền sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 100 hộ dân đã chuyển vào sinh sống vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.
Cụ thể, tại văn bản số 3977/CT-HKDTK do ông Nguyễn Đình Đức – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nghệ An ký gửi Công ty Cổ phần Xây dựng số 9, nêu: “Ngày 4/3/2021, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã ban hành Thông báo số 613/TB-CT cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 9 về việc giải trình, bổ sung thông tin tài liệu. Nhưng Cổ phần Công ty số 9 không đến làm việc với cơ quan thuế theo thời gian nêu tại Thông báo này. Vì vậy, ngày 19/4/2021, Cục Thuế tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành Thông báo số 1281/TB-CT về việc giải trình, bổ sung thông tin tài liệu (lần 2). Nhưng Công ty Cổ phần Xây dựng số 9 vẫn không đến làm việc với cơ quan Thuế theo Thông báo lần 2”.
Mặt khác, vào ngày 8/4/2021, Cục Thuế tỉnh Nghệ An có Công văn số 1471/CT-HKDTK đề nghị Sở Tài chính rà soát lại tiền ghi thu ghi chi theo Quyết định số 4523/QĐ.UBND-ĐT ngày 15/10/2008 của Công ty CP Xây dựng số 9 và cho ý kiến về số tiền 1.690.441.000 đồng theo số liệu rà soát của Cục Thuế tỉnh tại biên bản làm việc ngày 17/9/2010 chủ đầu tư tòa nhà CT.B để có căn cứ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ ngân sách Nhà nước nhưng đến nay, cơ quan Thuế vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan chức năng.
Đại diên cho các hộ dân thuộc tòa CT.B Vinaconex 9, ông Phan Văn Dũng, căn hộ 602 bày tỏ, trước khi vào ở, các cư dân của chung cư này đương nhiên đều đã hoàn tất các nghĩa vụ tài chính liên quan với chủ đầu tư theo quy định để mong sớm triển khai các quy trình, thủ tục về hợp đồng, pháp lý, cấp giấy chứng quyền sở hữu căn hộ và các quyền lợi liên quan khác.
Đơn cử như tại cuộc họp mới đây vào ngày 12/1/2021 sau khi các cư dân gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng, ông Chu Tùng Hiếu – Phó Tổng giám đốc Công ty Vinaconex 9 cam kết với các cư dân rằng, đến hết quý I năm 2021 sẽ cấp được sổ đỏ cho dân. Tuy nhiên, đến nay đã hết quý III/2021 nhưng mọi việc vẫn chưa có chuyển biến gì khiến người dân càng thêm bức xúc.
Đại diện Phòng quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện Sở chưa thể giao đất tại thực địa cho Công ty CP Xây dựng số 9 vì bên Cục Thuế chưa xác định được số tiền nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư chậm nộp vào ngân sách nhà nước.
Được biết, chung cư 12 tầng CT.B Vinaconex nằm trong số diện tích đất của Dự án Khu đô thị mới Tây Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh do Công ty CP Xây dựng số 9 làm chủ đầu tư đến nay chưa được giao đất tại thực địa là 20.595,3m2. Trong đó, đất ở thấp tầng là 17.398,3m2 tương ứng với 73 thửa đất và 3.197m2 đất xây dựng chng cư.
Điểm tin doanh nghiệp: Dự án điện khí LNG 2,3 tỷ USD ở Quảng Trị về tay liên danh T&T Group
Liên danh thực hiện dự án là T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc.Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng.
Ngày 7/10, UBND tỉnh Quảng Trị/Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – Giai đoạn I (1.500 MW).
Theo đó, tổ hợp các nhà đầu tư của dự án này bao gồm: Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).
Trước đó, ngày 4/2, tại văn bản số 154/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý bổ sung giai đoạn I của Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan, các nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, và kết quả đã trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư ngày hôm nay.
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, T&T Group sẽ góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp HANWHA, KOSPO, KOGAS sẽ đóng góp 60% vào dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (giai đoạn I) thuộc địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng; nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng – Giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 – 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng – Giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.
Với việc áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, Trung tâm điện khí Hải Lăng sau khi vận hành có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.
Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.
Dự án sẽ được tổ hợp nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung mọi nguồn lực, đảm bảo vận hành thương mại vào năm 2026-2027, phù hợp với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 154/TTg-CN ngày 4/2/2021.