Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Liên bộ Công Thương – Tài chính phối hợp chặt chẽ điều chỉnh giá xăng dầu đảm bảo bám sát diễn biến giá xăng dầu thành phẩm của thế giới, đồng thời sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Điều chỉnh giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới
Ngày 23/3, Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu.
- Bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới,
- Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước,
- Hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua;
- Nếu có những vướng mắc vượt thẩm quyền, Liên bộ cần báo cáo, đề xuất giải pháp để Thủ tướng xem xét giải quyết.
Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao cần phải tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác.
“Hết công cụ thuế, phí rồi vẫn không ổn nữa mà giá thế giới tăng cao thì giá mình cũng không thể không cao. Song để kìm được giá, có thể xem xét việc dùng quỹ an sinh, quỹ bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách đối với những đối tượng hoặc hỗ trợ thuế với những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều xăng dầu”, ông Diên nói.
Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Mới đây, tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra vào chiều 23/3. Phiên họp này đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Tại phiên họp, Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính đã thừa uỷ quyền Chính phủ đọc tờ trình. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, giảm 2.000 đồng/ lít xăng (trừ ethanol) và 1.000 đồng đối với dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn. Dầu hoả còn 300 đồng/lít, giảm 70% so với mức hiện hành.
Thời gian áp dụng giảm thuế môi trường bắt đầu từ 1/4/2022 – 31/12/2022. Sau đó, mức thuế quay về hiện tại. Đối với xăng là từ 3.800 – 4.000 đồng, đối với dầu là 2.000 đồng.