Chỉ sau hơn 1 tuần thực hiện Chỉ thị 18, số doanh nghiệp FDI hoạt động trở lại tại TP.HCM đã không ngừng tăng lên và có những bước hồi phục mạnh mẽ.
Giai đoạn vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, không ít doanh nghiệp FDI đã lâm vào tình thế lao đao, đứng trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Rất nhiều nhà máy đã phải chấp nhận đóng cửa, đơn hàng phải chuyển sang cho nước khác. Trước thực trạng đó, không ít người bày tỏ sự quan ngại về bức tranh tương lai tăm tối, khi doanh nghiệp FDI có thể không trụ vững và rời đi. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình đang được kiểm soát và niềm tin dần trở lại.
Kể từ khi triển khai Chỉ thị 18, bằng nhiều phương thức linh hoạt, các doanh nghiệp đã nỗ lực khởi động lại nhà máy, kêu gọi và tạo mọi điều kiện để công nhân viên làm việc trở lại. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn kỳ vọng công suất sẽ sớm đạt 100% để đón những đơn hàng dịp cuối năm. Đây cũng là động lực để tăng sức bật cho nền kinh tế thành phố hậu Covid-19.
Sau gần 3 tháng phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, Công ty PouYuen Việt Nam – doanh nghiệp có số lượng công nhân đông nhất tại TP.HCM đã bắt đầu sản xuất trở lại. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch và sự an toàn cho công nhân, trước mắt, hơn 10.000 người đang có mặt tại thành phố sẽ trở lại làm việc.
Dây chuyền sản xuất cũng được sắp xếp phù hợp với điều kiện mới. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch đón 80% số lao động còn lại trở về nhà máy.
Song song đó, rất nhiều doanh nghiệp FDI tại TP.HCM cũng đang từng bước tái sản xuất theo phương thức “4 xanh”. Để giảm thiểu những rủi ro về dịch bệnh, doanh nghiệp chú trọng giải pháp y tế tại chỗ để vừa sản xuất, vừa phòng dịch hiệu quả.
Ông Nozaki Shuichi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam cho hay:
“Ngoài việc kiểm soát công nhân tại nhà máy, chúng tôi cũng dự phòng tình huống khi có trường hợp F0, bố trí một khu vực riêng để cách ly, đồng thời hợp đồng với các bệnh viện để điều trị khi cần”
Không chỉ khôi phục dần các hoạt động sản xuất, một số tập đoàn lớn đã liên tục công bố các dự án mở rộng đầu tư. Điển hình là tập đoàn Intel vừa chuyển vào Việt Nam 475 triệu USD. Đồng thời, tập đoàn này cũng cam kết sẽ đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao TP.HCM trong thời gian sắp tới.
Các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng đề nghị, cần nhanh chóng cấp phép cho chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhập cảnh vào Việt Nam, tích hợp thông tin của họ vào các ứng dụng quản lý sức khoẻ chung để bổ sung lực lượng lao động tay nghề cao, tăng tốc sản xuất.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19, đã hơn 45 triệu liều vắc xin được tiêm. Tình hình dịch bệnh cũng đã từng bước được kiểm soát, không chỉ TP.HCM, các địa phương phía nam cũng đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Đây là cơ sở để xây dựng chế độ bảo đảm “sản xuất không gián đoạn” trong bất cứ hoàn cảnh nào như điều các doanh nghiệp đã kiến nghị thời gian qua.