Lợi nhuận quý II giảm do nhu cầu yếu, giá nguyên liệu tăng
Theo SSI Research, tiêu thụ sữa vẫn còn yếu. Số liệu của AC Nielsen cho thấy tiêu thụ sữa tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ trong quý II, sau khi không tăng trưởng trong quý I. Trong các mặt hàng tiêu dùng (FMCG), sữa liên tục cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn so với các mặt hàng khác. Thị trường nông thôn ghi nhận tăng trưởng dương, trong khi thị trường thành thị phải trải qua sự suy giảm nhẹ trong quý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sữa còn đối diện với cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ban lãnh đạo Vinamilk ( HoSE: VNM ) – doanh nghiệp sữa nắm thị phần quá bán tại Việt Nam xác nhận sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ (bao gồm cả thương hiệu trong nước và nhập khẩu) đã khiến công ty giảm doanh thu từ đầu năm tới nay giảm ở hầu hết các danh mục sản phẩm, ngoại trừ sữa đặc.
Ngoài ra, một yếu tố không thể đoán trước đang đè nặng lên giá cả hàng hóa là cuộc chiến Nga-Ukraine, khiến giá hàng hóa và giá dầu tăng mạnh kể từ tháng 2. SSI Research cho biết các nguyên liệu đầu vào chính của công ty sữa đều tăng như sữa bột, tăng 30-40% so với cùng kỳ; đường, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều này đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp sữa dù đã tăng giá bán từ 2-5% để chuyển chi phí cho người tiêu dùng.
Các công ty sữa còn gặp áp lực tăng chi phí bán hàng do giá nhiên liệu tăng cao thúc đẩy chi phí vận chuyển, cạnh tranh gay gắt làm tăng đáng kể chi phí khuyến dùng và hỗ trợ bán hàng để duy trì thị phần khi tăng giá bán.
Theo đó, hầu hết doanh nghiệp sẽ đều ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý II vừa nửa đầu năm. Vinamilk báo cáo doanh thu quý II giảm 5% xuống 14.930 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 26% xuống 2.089 tỷ đồng – mức thấp nhất trong vòng 5 năm do biên lợi nhuận gộp giảm và chi phí bán hàng tăng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đi ngang ở mức 28.808 tỷ đồng và lãi ròng giảm 20% xuống 4.348 tỷ đồng.
Mộc Châu Milk ( UPCoM: MCM ) sau khi về với Vinamilk được hưởng lợi từ lợi thế doanh nghiệp lớn đã dần cả thiện biên lợi nhuận nhưng cũng bắt đầu chững lại trong quý II. Doanh thu vẫn tăng 6% đạt 839 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang ở mức 90 tỷ đồng (tăng 2,7%). 6 tháng, lợi nhuận tăng 28% đạt 175 tỷ đồng nhờ mức tăng trưởng vượt trội quý I.
Sữa Quốc Tế ( UPCoM: IDP ) – chủ thương hiệu sữa cho trẻ em Kun công bố doanh thu quý II tăng 23% lên 1.538 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 44% về 39% cùng chi phí bán hàng tăng cao đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm 5% xuống 216 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 17% và 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện nửa cuối năm
SSI Research nhận định nhu cầu sữa sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 do giãn cách xã hội chặt chẽ trong quý 3/2021. Trong nửa đầu năm 2023, các kênh thương mại được kỳ vọng phục hồi hoàn toàn khi khách sạn, nhà hàng, quán cà phê được mở lại hoàn toàn và lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên thúc đẩy nhu cầu. Mức tăng trưởng sẽ bình thường hóa từ nửa cuối năm 2023.
Theo tổ chức thương mại sữa toàn cầu, giá sữa bột nguyên kem (WMP), sữa bột tách kem (SMP) và chất béo sữa dạng khan (AMF) có sự điều chỉnh bắt đầu từ tháng 3.
Về giá đường, tính đến tháng 6, giá đường toàn cầu đạt 0,185 USD/pound (tăng 20% so với đầu năm và 7% so với cùng kỳ). Thâm hụt nguồn cung sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong thời gian còn lại của năm 2022. Tại Việt Nam, giá đường tinh luyện trung bình nằm trong khoảng 16.500-17.500 đồng/kg trong nửa đầu năm, không đổi so với cùng kỳ. SSI Research cho rằng giá đường trong nước đang chịu áp lực do lượng đường nhập lậu và đường Thái Lan “quá cảnh” qua các nước ASEAN rồi vào Việt Nam.
Trước các diễn biến đó, SSI Research nhận định kết hợp với việc tăng giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa có thể cải thiện từ quý IV. Như Vinamilk đã tăng giá bán bình quân khoảng 5,5% trong nửa đầu năm 2022 và nguyên liệu đầu vào về cơ bản đã được chốt hợp đồng đến tháng 10 năm nay. Qua đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng có thể bắt đầu tận dụng được xu hướng giảm giá của sữa bột từ quý IV..
Biên lợi nhuận gộp Vinamilk quý II có sự phục hồi nhẹ so với quý I, lần đầu tiên trong 7 quý gần nhất. Doanh nghiệp kỳ vọng biên lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì và cải thiện nhờ giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào đã cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh. Ví dụ, theo Rabobank, tình trạng dư cung tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu sữa lớn nhất – khi nguồn cung sữa nội địa tăng mạnh đã khiến nhu cầu nhập khẩu sữa giảm và là lý do chính dẫn đến việc điều chỉnh của giá nguyên liệu sữa toàn cầu trong thời gian gần đây. Xuất khẩu nguyên liệu sữa từ New Zealand sang Trung Quốc đã giảm 26% trong 5 tháng đầu năm.