Giá xăng dầu tăng cao liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, theo ghi nhận trong khoảng 2 ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu tăng giá cước.
Doanh nghiệp vận tải “khốn đốn” vì xăng lên giá
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện tại đã có 12/15 doanh nghiệp taxi trên địa bàn làm thủ tục đăng ký lại giá cước. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) vận tải xe khách liên tỉnh tại Hà Nội bắt đầu tăng giá vé, mức tăng cao nhất là 20%.
Đáng chú ý, 5 doanh nghiệp đăng ký lại giá cũ, không tăng giá; 1 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cho 2 loại xe i10 và Kia Morning khi gọi xe ứng dụng công nghệ từ 10 – 15%. Ngoài ra, 6 doanh nghiệp taxi khác tăng giá từ 5 – 12%. Với doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, 4/13 doanh nghiệp đã đăng ký lại giá, tăng từ 11 – 22%.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) cho biết đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng thông báo điều chỉnh thêm 50.000 đồng một vé (tăng 20%) so với giá cũ. Như vậy, mỗi vé xe chặng Hà Nội – Lào Cai từ 230.000 đồng sẽ lên 280.000 đồng cuối tuần này.
Hiện hãng Sao Việt vận hành khoảng 30% số lượng xe hiện có do ảnh hưởng dịch bệnh, xe còn nằm bãi nhiều ngày. Gần đây, dịch bệnh bùng phát mạnh nên lượng khách đi lại càng giảm, chỉ chiếm 30% công suất xe. Nhiều chuyến do quá vắng khách đã phải cắt để dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng khiến hoạt động vận tải lúc này rất khó khăn.
Theo ông Bằng, giá xăng dầu chiếm gần 40% chi phí vận tải nên khi xăng tăng giá lên gần 30.000 đồng một lít mà doanh nghiệp không điều chỉnh giá vé sẽ chết ngay. “Hành khách có thể kêu ca khi giá vé tăng, song chúng tôi mong mọi người chia sẻ. Các đơn vị vận tải đang lỗ chồng lỗ, hoạt động cầm cự chứ không có lợi nhuận”, ông Bằng nói.
Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội giá vé tuyến Hà Nội – Hưng Yên, tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng, tăng 11,11%; vé chặng tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đông, tăng 30%; chặng bến xe Mỹ Đình – bến xe Quế Võ tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng, tăng 11,11%; vé chặng tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng, tăng 14,29%.
Xe bus chất lượng cao số 68 (Hà Đông – sân bay Nội Bài) của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội cũng tăng từ 40.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt; bus chất lượng cao 86 (Trung tâm Hà Nội – Sân bay Nội Bài) của Xí nghiệp xe buýt Yên Viên từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng.
Theo tìm hiểu, hiện nhiều hãng taxi cũng tăng giá cước khoảng 1.000 – 2.000 đồng một km, tương đương mức tăng từ 10 – 15%. Dù tăng giá cước, nhưng các tài xế taxi cho biết vẫn rất khó khăn.
Đại diện Cty Cổ phần bến xe Hà Nội cũng cho biết, tính đến ngày 15/3, đơn vị đã ghi nhận một số DN vận tải hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm có văn bản thông báo tăng giá cước.
Theo đại diện Cty Cổ phần bến xe Hà Nội, hiện bến xe đang quản lý về hoạt động, đảm bảo các quy định của nhà nước về hoạt động vận tải khách liên tỉnh, với giá cước, giá vé là do DN được phép điều chỉnh theo giá thị trường và có sự chấp thuận của cơ quan quản lý (Sở Tài chính, Sở GTVT). Do vậy khi DN có thông báo tăng giá cước và có đầy đủ giấy tờ theo quy định, bến xe phải cho DN vận tải niêm yết theo giá mới.
Trước việc hàng loạt lĩnh vực vận tải hành khách từ taxi, xe công nghệ đến xe khách liên tỉnh đều đồng loạt tăng cước, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, ông vừa ký văn bản gửi các đơn vị có liên quan, trong đó có các đơn vị quận huyện tiếp nhận kê khai, tăng giá vé; Thanh tra giao thông; các bến xe…
Cụ thể, Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã (tiếp nhận kê khai, điều chỉnh giá cước của DN vận tải hoạt động trên địa bàn) chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá.
Kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở; có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý rà soát các chi phí cấu thành giá, việc điều chỉnh kê khai tăng giá phải phù hợp với tỷ lệ tăng giá nhiên liệu để góp phần vào công tác bình ổn giá chung trên địa bàn thành phố.