Đây là thông điệp được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”, sáng ngày 20/9.
Lắng nghe doanh nghiệp
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào NSNN khoảng 96.500 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456.000 lao động nước ngoài), tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, hiện có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: Chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ.
Giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia ngày càng nhanh hơn, linh hoạt, rút gọn thông thoáng hơn, ví dụ như giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Chúng ta đã công nhận tạm thời đối với giấy chứng nhận tiêm vaccine của trên 60 quốc gia. Hiện các bộ, ngành đang tính toán mở rộng đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong điều kiện bình thường, Bộ đang dự kiến là phải bảo đảm “5 xanh”, thứ nhất là nhà máy xanh, thứ hai là công nhân, thứ ba là di chuyển, thứ tư là nơi ở công nhân và thứ 5 là y tế tại chỗ của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, đã thành lập Tổ công tác của Thành phố để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. TPHCM cũng đã làm việc với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… để thống nhất các giải pháp liên kết vùng; kết hợp với các cơ quan về vấn đề về lưu thông, chuyển vật tư vật liệu, lao động, chuyên gia.
Tháo gỡ nhiều khó khăn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân là yêu cầu cấp bách hiện nay.
“Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện hiệu quả. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trong mối quan hệ chặt chẽ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. “Các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Nêu dẫn chứng mô hình tại một số địa phương đã lập ra các tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh đứng đầu, trực tiếp xử lý, hướng dẫn, thông qua phương án phục hồi sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị lãnh đạo các địa phương trên cả nước cần căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vai trò điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. “Doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, đầu mối giải quyết là các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vaccine cho người lao động sản xuất công nghiệp.
Về giao thông vận tải, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luôn bảo đảm thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, địa phương có hướng dẫn để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các Giám đốc Sở GTVT trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa tại địa phương, cần chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố các giải pháp phù hợp, bảo đảm thống nhất, lưu thông hàng hóa thông suốt. Bộ GTVT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông.
Về vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là nhập cảnh của chuyên gia, lao động tay nghề cao, Phó Thủ tướng đánh giá cao phát biểu của đại diện Bộ Ngoại giao là sẽ tạo điều kiện tối đa trong thời gian tới. “Vai trò của chuyên gia rất quan trọng, nhiều nơi không có chuyên gia là không thể sản xuất. Do đó, cần tạo điều kiện tối đa, nhưng bảo đảm phòng chống dịch bệnh hiệu quả”.
Về kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về việc phục hồi một số dịch vụ cần thiết đối với các khu công nghiệp, “nếu không, có nơi hàng chục ngàn công nhân thì ăn uống như thế nào”.
Phó Thủ tướng khẳng định, từ nay sẽ duy trì họp hằng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. “Để Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.
Chốt lại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định thông điệp, Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.