Điểm sáng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc mở cửa, Fed có thể hạ lãi suất vào quý IV/2023
Trước tiên, về bối cảnh vĩ mô thế giới, VietinBank Securities dự báo đà tăng trưởng kinh tế tại các khu vực tiếp tục suy giảm. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo vẫn sẽ chậm lại trong năm 2023 và ở mức thấp nhất trong những thập kỷ trở lại đây, phản ảnh các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn như lạm phát tăng cao, phong tỏa kéo dài và khủng hoảng thị trường bất động sản, và xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Chúng tôi dự báo điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 phụ thuộc vào sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại và thúc đẩy tăng trưởng trong nội khu vực ASEAN, đặc biệt thông qua xuất khẩu, du lịch và dịch vụ đối ứng. Điều này bù đắp một phần rủi ro suy thoái ở Mỹ và châu Âu”, báo cáo nêu.
Dự báo tăng trưởng GDP tại một số quốc gia và trên thế giới. Nguồn: Báo cáo của CTS.
Một khía cạnh khác được nhà đầu tư khá quan tâm đó là tình hình lạm phát tại các quốc gia. Khối phân tích của VietinBank Securities đánh giá lạm phát dự kiến giảm vào năm 2023 ở hầu hết các nền kinh tế nhưng rõ rệt nhất ở các nền kinh tế phát triển hơn là các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi. Nguyên nhân chủ yếu do các quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề bởi rủi ro phân mảnh giữa các nền kinh tế khiến thu nhập bị phụ thuộc khá lớn vào các quốc gia phát triển.
Để kiểm soát tình trạng lạm phát lên cao kỷ lục, Fed và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đã phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Song, khi lạm phát cho tín hiệu tạo đỉnh, mức tăng lãi suất có thể thu hẹp, thậm chí đảo chiều.
Trong báo cáo của mình, VietinBank Securities dự báo FED có thể sẽ nâng thêm lãi suất thêm hai lần nữa với 0,25%/lần vào tháng 3 và 5/2023, sau đó sẽ duy trì mức lãi suất này trước khi có thể sẽ hạ lãi suất vào Quý IV/2023 khi tình hình lạm phát phản ứng tích cực như kỳ vọng.
Lãi suất của một số quốc gia trên thế giới. Nguồn: Báo cáo của CTS.
Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 phục thuộc vào giảm lãi suất
Về phần Việt Nam, công ty chứng khoán này đưa ra một số chỉ tiêu dự báo. Về tăng trưởng, ba kịch bản được đưa ra gồm tích cực – cơ sở – tiêu cực, lần lượt, với tăng trưởng GDP đạt 7,3%-6,8%-6,2% và chỉ số CPI đạt5%-4,5%-4,3%. Các kịch bản phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, và sự phục hồi du lịch.
“Chúng tôi đánh giá động lực tăng trưởng nền kinh tế 2023 phụ thuộc vào giảm lãi suất mà vẫn đảm bảo tỷ giá và lạm phát ổn định nên biện pháp tăng cung tiền qua kích cầu đầu tư công và giảm thuế đối với một số mặt hàng chủ chốt bao gồm hàng hóa nhập khẩu, xăng dầu, điện, nước để tăng cầu nội địa trong khi vẫn sử dụng mạnh mẽ chính sách thắt chặt tiền tệ.”, khối phân tích của VietinBank Securities đưa quan điểm.
Với chỉ tiêu lạm phát, năm 2022 Việt Nam đã kiểm soát tốt, đạt mục tiêu của Chính phủ. Phía công ty chứng khoán đưa ra dự báo lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2023. Tuy vậy, một số hàng hóa thiết yếu trong nước có thể tăng giá như điện, xăng dầu, lương thực.
Nguồn: Báo cáo của CTS.
Trên cơ sở dự báo lạm phát đạt đỉnh, các chuyên gia của VietinBank Securities cho rằng lãi suất điều hành ở Việt Nam có thể đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023.
Cụ thể, ngày 08/02/2023 mức lãi suất huy động tối đa ở các ngân hàng lớn chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5%/năm vào cuối tháng 1/2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ dư thừa thanh khoản hệ thống ngân hàng khi mà các nhà băng đã huy động được một lượng lớn vốn từ thị trường 1 ở mức lãi suất cao vào năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vốn được kiểm soát chặt chẽ.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được duy trì ở mức như hiện tại trong năm 2023. Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, đặc biệt chiều hướng này sẽ gia tăng khi FED dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành vào Quý 4/2023, như chúng tôi dự phóng”, báo cáo nêu.