Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital vừa thông báo đã bán ra tổng cộng 6,65 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động trong ngày 26/12/2022. Trong đó, Amersham Industries Limited bán 3 triệu đơn vị, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán 1,5 đơn vị phiếu, KB Vietnam Forcus Balanced Fund bán 0,15 triệu đơn vị, Norges Bank bán ra 1 triệu đơn vị và Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 1 triệu đơn vị.
Giao dịch được thực hiện vào đúng phiên cổ phiếu MWG giảm hết biên độ xuống mức 42.600 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức thị giá này, số tiền Dragon Capital có thể thu về vào khoảng 280 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital đã giảm từ 10,12% xuống còn 9,67%.
Thực tế, cổ phiếu MWG vẫn là thỏi nam châm hút khối ngoại. Mặc dù Dragon Capital giảm sở hữu những room ngoại của doanh nghiệp bán lẻ này vẫn luôn “full” ở mứ 49%. Trong quá khứ, từng có thời điểm nhà đầu tư nước ngoài phải trả chênh đến 45% so với thị giá để sở hữu cổ phiếu này.
Động thái bán ra của Dragon Capital diễn ra sau khi MWG báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng không mấy khả quan. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận doanh thu thuần đạt 123.683 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 9% xuống còn 3.998 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 11, doanh thu Thế Giới Di Động khoảng 9.971 tỷ đồng, giảm 13% so cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 159 tỷ đồng, giảm đến 67%. Đây là mức doanh thu thấp nhất hơn 1 năm và lợi nhuận thấp nhất kể từ tháng 4/2017 của Thế Giới Di Động.
Năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng. Với kết quả trên, MWG đã thực hiện 88% chỉ tiêu doanh thu và 63% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Sang năm 2023, dù vĩ mô khá nhiều biến số, song MWG vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm 2023 và tăng trưởng hai chữ số so với mức trung bình giai 2020-2022.
Để thực hiện mục tiêu trên, MWG cho biết sẽ không đặt mục tiêu số lượng cửa hàng mở mới cho từng chuỗi. Các chuỗi chỉ mở mới cửa hàng có chọn lọc để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong 3 tháng sau khi khai trương.
Đồng thời, tất cả các chuỗi sẽ tập trung vào tăng doanh số bán hàng tại cửa hàng hiện hữu (SSSG) và kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận tuyệt đối, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Ngoại trừ, Bách Hóa Xanh có thể tiếp tục tối ưu biên lợi nhuận bằng cách cải thiện tỷ lệ hủy hàng, giảm hao hụt.