Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đưa ra những dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, sau những tác động của tình hình dịch những tháng vừa qua.
Theo đó, ADB nhận định tăng trưởng GDP Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, phần lớn bởi sự mở rộng thương mại. Tuy nhiên, tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và phá vỡ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Trong bản cập nhật mới, ADB đã hạ tăng trưởng GDP dự kiến xuống còn 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Cả hai đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4 là 6,7% (2021) và 7% (2022). Dự báo này được ADB đưa ra với giả sử tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát vào cuối năm 2021, và tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số vào quý 2 năm 2022.
Khi so sánh với các nước Đông Nam Á khác, GDP Việt Nam được dự báo là tăng trưởng cao thứ 4 trong khu vực. Theo ADB, GDP một số quốc gia khu vực Đông Nam Á tăng trưởng như sau Singapore (6,5%), Malaysia (4,7%), Philippines (4,5%), Indonesia (3,8%).
GDP của Việt Nam năm 2021 dự đoán tăng trưởng cao hơn so với GDP của khu vực Đông Nam Á (3,1%). Chỉ có một quốc gia trong khu vực đạt tăng trưởng âm là Myanmar (-18,4%).
Tài khoản vãng lai dự báo sẽ bị thâm hụt, đạt – 1,0% GDP trong năm 2021, do tác động của đại dịch đối với sản xuất sẽ làm chậm tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm. ADB dự báo tài khoản vãng lai năm 2022 dự kiến sẽ trở lại mức thặng dư (1,5% GDP), khi xuất khẩu tăng lên nhờ sự phục hồi của sản xuất trong nước và nhu cầu bên ngoài.
Các chuyên gia đánh giá những triển vọng kinh tế Việt Nam trong khoảng thời gian tới là một thách thức. Bởi nguy cơ chính gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hiện nay là làn sóng dịch bệnh kéo dài.
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước vào năm 2021, kết hợp với việc tăng cường mua vaccine từ các nguồn bên ngoài, sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam ngăn chặn được tác động của dịch lên nền kinh tế.
Ngoài ra, ADB cho rằng, triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau của Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các nhu yếu phẩm, chẳng hạn như lương thực hay tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bùng phát.
Các khoản cho vay không đạt hiệu quả có thể trở thành rủi ro cho kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và số hóa các thủ tục của Chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hỗ trợ phục hồi trong năm nay và năm tới.
Trong tháng 8/2021, Ngân hàng thế giới WB cũng đã đưa ra dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam khoảng 4,8%. “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi,” theo lời ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KH – ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 3,5-4%, thấp hơn kế hoạch đặt ra từ đầu năm song để đạt được cũng còn nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng Bộ KH – ĐT, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động – việc làm. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác chống dịch lớn, ảnh hưởng đến thu – chi ngân sách. Dịch cũng ảnh hưởng đến tình hình thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI. Đây là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP năm nay.