Gói cấp bù lãi suất là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm khôi phục sản xuất.
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III vào chiều 12/10.
Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN chia sẻ: “NHNN đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… bàn phương thức triển khai gói cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho DN cũng như cho nền kinh tế”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu. Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Lý do bởi, lạm phát là gốc của ổn định vĩ mô, không đạt mục tiêu này thì không những các mục tiêu khác không hoàn thành mà còn tác dụng ngược.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói này nên cần chờ thêm thời gian nữa.
Vị này cho hay, khi gói cấp bù lãi suất được triển khai thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành thực hiện một cách phù hợp.
Dự kiến gói cấp bù lãi suất tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 – 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Quy mô dư nợ tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Mục đích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, tới đây, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán tới 2 mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình để triển khai gói hỗ trợ này.
Gói cấp bù lãi suất thu hút sự nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, muốn tạo khuôn khổ pháp lý để giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn thì cần một quy chế đặc biệt cho gói cứu trợ này để không ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc cấp bù lãi suất không nên cào bằng mà chỉ nên triển khai với sự phân loại đối tượng, nhóm ngành. Cụ thể, nên ưu tiên hỗ trợ các DN vốn có tiềm lực phát triển nhưng gặp khó khăn khách quan, tạm thời do dịch COVID-19, còn các doanh nghiệp bất động sản lãi lớn, hay mua ô tô… thì không cần thiết phải hỗ trợ lãi suất.
Việc giảm lãi suất nếu cào bằng đồng loạt theo các tổ chức tín dụng cũng có thể khiến việc hỗ trợ vừa không trúng đích, vừa gây ra hệ lụy lớn về nợ xấu cho ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.
Cát Anh (T/h)