Dự kiến kiểm toán 2022: Danh sách loạt “ông lớn” Nhà nước, ngân hàng, dự án

Dự kiến kiểm toán 2022

Dự kiến kiểm toán 2022

Một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn sẽ được Kiểm toán Nhà nước lựa chọn để kiểm toán.

4 ngân hàng và loạt ông lớn “lọt” danh sách kiểm toán

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội những dự kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2022.

Đơn vị cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội. So với năm 2021, tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 không tăng. Đơn vị này cũng cho biết sẽ giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động này đến hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là các cơ quan y tế, quốc phòng và an ninh.

Theo đó, việc lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề quan trọng của đất nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngân hàng Agribank nằm trong danh sách.

Ngoài ra, ở lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính – ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Hoạt động này trọng tâm hướng đến tập đoàn, tổng công ty nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam…

Mục đích, nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…

Ngoài ra, đơn vị sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Trong danh sách này, có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Kiểm toán Nhà nước cho hay sẽ thông qua hoạt động kiểm toán, sẽ thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ.

Trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động…

Các dự án đầu tư lớn nằm trong danh sách

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong số đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành – giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án thủy lợi cũng lọt vào danh sách dự kiến kiểm toán.

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.

Hàng loạt dự án trọng điểm ngành điện cũng nằm trong đợt kiểm toán sắp tới có thể kể đến là: Dự án Đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hòa; đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa; trạm biến áp 500kV Tân Uyên và đấu nối; trạm biến áp 500kV Đức Hòa và đấu nối; trạm biến áp 500kV Long Thành; dự án Đường dây 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch – Vũng Áng; sân phân phối 500kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch…

Kiểm toán Nhà nước thừa nhận công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2021 của một số đơn vị trong ngành còn hạn chế dẫn đến còn phải điều chỉnh kế hoạch khi triển khai thực hiện.

Tỷ lệ kiểm toán ngân sách năm của bộ, cơ quan trung ương mới đạt tỷ lệ khoảng 46% (18/41); số lượng cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt 83% (52/63). Việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương phục vụ HĐND phê chuẩn quyết toán còn hạn chế, chiếm tỷ lệ thấp 18%.

Hoạt động kiểm toán trong năm 2021 chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19. Kế hoạch triển khai hoạt động kiểm toán, quy mô, phạm vi của các cuộc kiểm toán phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến hoạt động kiểm toán triển khai chậm hơn các năm trước.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version