Theo dự kiến, Nova Consumer sẽ lên sàn vào cuối tháng 4. Hiện tại đã có 2 tổ chức đầu tư quốc tế đặt mua cổ phiếu của tập đoàn này.
Nova Consumer nói về việc định giá cổ phiếu
Tập đoàn Nova Consumer hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng đang IPO khoảng 10,9 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu ở mức 43.462 đồng/cổ phiếu.
Nói về mức giá chào bán, Giám đốc Quan hệ Định chế tài chính NovaGroup – ông Nguyễn Thế An cho biết là dựa vào giá trị sổ sách tại thời điểm xin ý kiến cổ đông về việc IPO cũng như niêm yết trên sàn HoSE. Theo mức này, Nova Consumer được định giá khoảng 4.730 tỷ đồng.
Đánh giá về mức định giá trên, ông cho rằng nó hấp dẫn khi mà P/E của công ty ở mức 18 lần, thấp hơn 30% so với P/E bình quân của ngành. Dự phóng P/E năm nay giảm còn 15 lần.
Trong đợt IPO lần này, Nova Consumer dự kiến thu về 470 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tiền về sẽ sử dụng để tăng sở hữu tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc nhằm phục vụ chiến lược phát triển chuỗi thực phẩm. Số ít còn lại sẽ bổ sung vào vốn lưu động.
Theo thông tin ông Thế An cung cấp, giữa tháng 3, quá trình IPO có thể kết thúc. Sau đó, công ty sẽ tiến hành hoàn thiện hồ sơ, đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Theo kỳ vọng của công ty là sẽ được chấp thuận niêm yết ở thời điểm cuối tháng tư, muộn hơn là vào tháng 5.
Vị này còn tiết lộ, công ty đang làm việc với 2 tổ chức đầu tư quốc tế. Hai nhà đầu tư này đã đặt mua lượng cổ phiếu vượt hơn 2 lần số lượng cổ phiếu Nova Consumer chào bán.
Chiến lược phát triển đến năm 2026
Năm 2004 Nova Consumer được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng. Sau 8 lần phát hành, vốn điều lệ của công ty này đã được nâng lên gần 1.100 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, Nova Consumer có tới 6 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức liên quan vợ ông Bùi Thành Nhơn là bà Cao Thị Ngọc Sương, chiếm đến 95,34% vốn của hiện tại.
Tại bản cáo bạch IPO, năm ngoái, mục tiêu của Nova Consumer là doanh thu gần 4.150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 280 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của công ty phần lớn đến từ mảng nông nghiệp. Theo dự kiến, từ 2022 tỷ trọng tại công ty này sẽ dịch chuyển dần sang mảng hàng tiêu dùng. Mục tiêu 5 năm tới của công ty là 40% doanh thu đến từ hàng tiêu dùng, còn lại là đóng góp của nông nghiệp.
Trước câu hỏi làm thế nào để giành thị phần trước sự cạnh tranh khốc liệt của ngành hàng tiêu dùng, Tổng giám đốc Nova Consumer – Tôn Thất Đề khẳng định đơn vị này không lo ngại và cũng không quá chú trọng mục tiêu chiếm thị phần khi mà dự địa thị trường còn rất lớn.
Lấy ví dụ cho câu trả lời của mình, ông Đề cho hay, người Việt tiêu thụ bình quân 26 lít sữa mỗi năm. Trong khi với các nước phát triển, việc tiêu thụ sản phẩm này gấp 3-4 lần.
Theo lời ông Đề, Nova Consumer sẽ tham gia thị trường theo chiều rộng. Mảng nào giá trị lớn sẽ tham gia và chọn ra phân khúc để trở thành người dẫn dắt.
Trong mô hình 3F (Feed – Farm – Food), Nova Consumer đã có được 2 chữ F. Thời gian tới, mục tiêu chính của doanh nghiệp là phát triển mảng chế biến thực phẩm, hướng đến khép kín chuỗi sản xuất này.
Theo dự tính của Nova Consumer, năm 2026, chiến lược này sẽ mang lại khoảng 1.400 tỷ đồng tiền lợi nhuận, gấp 2 lần hiện tại. Ngoài ra, công ty còn kỳ vọng thời điểm đó, giá trị vốn hoá sẽ tăng lên 1 tỷ USD.