Du lịch mở cửa giúp tình hình kinh doanh khởi sắc
Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang ( HoSE: SKG ) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu gần gấp đôi lên 127 tỷ đồng. Giá vốn tăng 46% nên lợi nhuận gộp gấp 6,5 lần lên 41 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 9,57% lên 32,2%.
Các chi phí không đáng kể, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 3 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng doanh thu tăng 47% lên 211 tỷ đồng, lãi sau thuế 36 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty tàu cao tốc thực hiện được 58% mục tiêu doanh thu và vượt gần 100% mục tiêu lợi nhuận năm. Tuy nhiên, so với trước dịch, lợi nhuận nửa đầu năm vẫn chưa tới 50%.
Superdong – Kiên Giang là công ty vận tải du lịch biển đảo với 7 tuyến vận chuyển khai thác tại tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Do vậy, lĩnh vực hoạt động của đơn vị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, năm 2020, lợi nhuận giảm 78% so với 2019 và năm 2021 lỗ 39 tỷ đồng – năm đầu tiên lỗ kể từ khi lên sàn.
|
Doanh nghiệp cho biết bước sang quý II, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch mở cửa trở lại nên tình hình kinh doanh trở nên khởi sắc hơn. Cụ thể, các tuyến Hà Tiên – Phú Quốc tăng 236%, Rạch Giá – Phú Quốc tăng 84%, Rạch Giá – Nam Du tăng 89%, Rạch Giá – Lại Sơn tăng 145%, Phan Thiết – Phú Quý tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo vẫn chưa hoạt động hết công suất do hệ thống cầu cảng tại Công Đảo đang sửa chữa.
Lĩnh vực kinh doanh chịu cạnh tranh lớn, tình hình tài chính lành mạnh
Superdong – Kiên Giang hiện khai thác 16 tàu và 2 phà. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVS), hoạt động kinh doanh của Superdong – Kiên Giang chịu cạnh tranh lớn do thị trường còn nhiều dư địa phát triển và rào cản gia nhập ngành không quá lớn. Thời điểm trước dịch bệnh (2019), doanh thu của 2 tuyến chính gồm Rạch Giá – Phú Quốc và Hà Tiên – Phú Quốc giảm lần lượt 11,5% và 9,3% so với năm 2018. Công ty đã liên tục mở rộng tuyến vận tải mới như Phan Thiết – Phú Quý (2018), Phú Quốc – Nam Du và Rạch Giá – Hòn Nghệ (năm 2019 và nửa cuối 2020).
Nguồn: Superdong – Kiên Giang |
Đồng thời, các năm gần đây, công ty đã thử nghiệm phương tiện vận chuyển mới là phà cao tốc thay thế tàu cao tốc và kỳ vọng mở ra hướng đi mới, tác động mạnh tới cục diện cạnh tranh trên thị trường. Tại báo cáo thường niên năm nay, doanh nghiệp cho biết đang triển khai đầu tư hai phà cao tốc mới được đóng bởi đối tác tại Malaysia là Công ty Kaibouk Shipyard (M) SDN. BHD. Trong đó, phà cao tốc cho tuyến Rạch Giá – Phú Quốc đã đóng xong nhưng chưa thể đưa về Việt Nam khai thác do việc chậm tiến độ đầu tư nâng cấp cầu cảng ở Rạch Giá. Bên cạnh đó, phà cao tốc thay thế cho tàu cao tốc cũng bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch như máy móc, trang thiết bị không được bàn giao đúng thời hạn, cơ quan đăng kiểm không thể qua xưởng đóng tàu để kiểm định do phong tỏa và cấm bay quốc tế…
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, công ty cũng triển khai dự án đầu tư khu phức hợp cảng Trần Đề (Sóc Trăng) để phục vụ cho tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 để đưa vào khai thác dịch vụ bến bãi. Công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu để triển khai thêm các giai đoạn sau sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh và phát triển tuyến tại địa bàn.
Bên cạnh vấn đề cạnh tranh, hoạt động kinh doanh của đơn vị cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng cao. Dầu DO là nguồn nhiên liệu chính chiếm khoảng 50% chi phí kinh doanh chính. Năm 2021, giá dầu thế giới đã tăng mạnh trên 50% và trong quý II năm nay chi phí này đã tăng 88% so với cùng kỳ năm trước đẩy giá vốn hàng bán tăng cao.
Một lợi thế của Superdong – Kiên Giang là tình hình tài chính lành mạnh, an toàn. Tại thời điểm cuối quý II, doanh nghiệp vận tải du lịch biển đảo có 849 tỷ đồng, nằm chủ yếu ở đội tàu (nguyên giá 741 tỷ đồng, giá trị còn lại 421 tỷ đồng) và đầu tư tài chính ngắn hạn – tiền gửi (190 tỷ đồng). Doanh nghiệp hoàn toàn không có vay nợ, tài sản được tài trợ chủ yếu bởi vốn chủ sở hữu 837 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu 633 tỷ đồng, thặng dư vốn 11,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ đồng.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan và triển vọng phục hồi sau dịch (quý II, III và IV năm 2021 lỗ do dịch bùng phát mạnh, hoạt động kinh doanh bị tê liệt), cổ phiếu SKG có đà tăng giá mạnh trong vòng 1 tháng qua từ vùng 13.200 đồng lên 18.450 đồng, tức tăng gần 40%.
|