Ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết nước này sẽ giảm một nửa lượng nhập khẩu dầu từ Nga vào mùa hè này và dừng hoàn toàn vào cuối năm nay, tiếp đó sẽ là khí đốt…
Đức tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga
Chính phủ Đức vừa tuyên bố dự kiến dừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay và bắt đầu giảm dần nhập khẩu khí đốt từ nước này. Đây là các động thái nằm trong lộ trình giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.
Reuters đưa tin, phát biểu sau cuộc gặp với ngoại trưởng các nước Baltic, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo: “Tôi nói rõ ràng và dứt khoát ở đây rằng Đức đang tiến tới chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khẩu năng lượng Nga. Chúng tôi sẽ giảm một nửa lượng dầu mỏ từ Nga vào mùa hè và giảm xuống mức bằng 0 vào cuối năm nay. Tiếp đó sẽ là mặt hàng khí đốt, trong lộ trình chung giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của Liên minh châu Âu”.
Giới chức nước này trước đó đề xuất mục tiêu tới giữa năm 2024 có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trong chiến lược nhằm “dứt tình” với năng lượng Nga, EU đã cam kết từ nay đến cuối năm giảm 66% tiêu thụ khí đốt Nga, và chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào năng lượng Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, đây được đánh giá là một mục tiêu không dễ thực hiện.
Theo Reuters, Nga chiếm khoảng 55% nguồn nhập khẩu khí đốt của Đức và 35% nguồn nhập khẩu dầu của nước này. Hồi tháng 3, nước này đã ký được thỏa thuận mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với Qatar, với hy vọng có thể phần nào giảm sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt Nga.
Mặc dù đã dừng phê duyệt tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến sự tại Ukraine, giới chức Berlin cảnh báo việc EU cấm nhập khẩu năng lượng Moscow sẽ làm sụp đổ nền kinh tế và phá hủy ngành công nghiệp của Đức.
“Chúng tôi đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Chúng tôi tin rằng mình có thể làm được điều này trong năm nay”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London (Anh) đầu tháng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo Berlin có thể đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng đáng kể nếu không có nguồn cung từ Nga.
Trong khi Mỹ và một số nước Đông Âu trong NATO kêu gọi tẩy chay năng lượng Nga ngay lập tức để phản ứng với chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức vẫn cho rằng quyết định vội vã như vậy sẽ gây thiệt hại quá lớn về kinh tế.
Nhằm hiện thực hóa kế hoạch “cai nghiện” khí đốt Nga, EU và Mỹ trước đó cũng ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối LNG cho thị trường EU vào năm sau và tiếp tục tăng trong tương lai.
Bà Emily Haber, Đại sứ Đức tại Mỹ, viết trên trang Twitter vào tuần trước: “Việc dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga sẽ gây ra một sự gián đoạn lớn và ngay lập tức. Bạn không thể bật tắt các nhà máy công nghiệp hiện đại như một công tắc đèn. Quyết định này sẽ tác động trực tiếp tới Đức – nền kinh tế lớn nhất EU và lớn thứ 4 thế giới.”