Mặc dù ngân hàng trung ương kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt trong tương lai, nhưng mức lạm phát có thể cao hơn 3% trong một thời gian dài.
Theo Dữ liệu sơ bộ từ cơ quan thống kê liên bang Destatis của Đức ngày 29/11, chỉ số giá tiêu dùng của Đức (CPI) đã tăng lên mức cao mới trong gần 3 thập kỷ, tỷ lệ lạm phát tháng 11 của Đức đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần cuối cùng tỷ lệ lạm phát của Đức đạt mức này là vào năm 1992. Chi phí năng lượng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng nghiêm trọng là hai yếu tố chính khiến lạm phát ở Đức tăng vọt.
Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn ưu tiên chính sách tiền tệ nới lỏng, lạm phát của Đức đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba thập kỷ.
Tại sao giá cả hàng hóa tại Đức tăng đột biến?
Chỉ số CPI của Đức tăng 5,2 % trong tháng 11 một phần là do mức tăng mạnh trong giá năng lượng với mức tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10, chỉ số CPI của Đức tăng 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái và giá năng lượng tăng 18,6%.
Ở Đức, giá cả tăng là một chủ đề nhạy cảm. Siêu lạm phát trong những năm 1920 và 1940 đã phá hủy khoản tiết kiệm của hầu hết người dân nước này, và người dân Đức vẫn chưa hết ám với sự kiện này.
Ủy viên Ủy ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu Isabel Schnabel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đức ZDF đầu tuần này rằng tháng 11 sẽ là “đỉnh” lạm phát của Đức.
Bà nói rằng tỷ lệ lạm phát trung bình ở Đức trong hai năm qua là 2%, tỷ lệ này đã giảm mạnh khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, và sau đó tăng mạnh vào năm 2021. Nhưng “không có bằng chứng nào cho thấy lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Giá cả năm 2020 thấp hơn bình thường do đợt cắt giảm thuế bán hàng vào năm 2020, cũng như giá sản phẩm dầu giảm mạnh. Kể từ tháng 1/2021, Đức tiếp tục áp dụng thuế bán hàng, điều này đã khiến giả cả tăng mạnh trong năm nay.
Bloomberg cho biết, mặc dù ngân hàng liên bang Đức Bundesbank kỳ vọng áp lực giá sẽ giảm bớt trong vài tháng tới, nhưng lạm phát có thể vẫn duy trì ở mức trên 3% trong một thời gian dài hơn.
Các chủng biến thể mới mang lại rủi ro cho nền kinh tế
Đức không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với lạm phát tăng cao. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Tây Ban Nha đã tăng 5,6% trong tháng này, đây cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1992.
Giá hàng hóa của Mỹ còn tăng nhanh hơn, trong tháng 10, chỉ số CPI đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong 31 năm.
Tỷ lệ lạm phát ở hầu hết khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt xa mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt ra.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đảm bảo với công chúng rằng áp lực giá cả sẽ không vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Họ tin rằng lạm phát hiện nay là do các yếu tố tạm thời gây ra và chúng sẽ nhanh chóng biến mất theo thời gian.
Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của biến thể Omicron đã khiến nhiều người nghi ngờ. Chủ tịch Fed Powell cũng đánh giá tác động của biến thể dịch bệnh mới trong một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ và nói rằng biến thể Omicron có thể làm trầm trọng thêm rủi ro kinh tế Mỹ và gia tăng sự không chắc chắn về lạm phát.