Giữa lúc chiến sự tại Ukraine ngày càng khốc liệt, EU, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang nỗ lực dùng các đòn bẩy kinh tế khác nhau để gây sức ép khiến Nga chùn bước. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ dành 2 tháng phác thảo đề xuất nhằm ngừng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga năm 2027.
Nga đã xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên khắp châu Âu từ những năm 1960. Kể từ đó, Washington đã cảnh báo các đồng minh phương Tây rằng càng phụ thuộc vào nhiều khí đốt của Nga sẽ chỉ khiến người châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước Moscow.
EU xem xét từ bỏ nhập khẩu khí đốt từ Nga
Từ năm 2014, Liên minh châu Âu đã tuyên bố sẽ đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, sau khi Nga sát nhập Crimea từ Ukraine. Nhưng việc này đến nay gần như không có tiến triển, một phần do Đức một khách hàng nhập năng lượng Nga lớn nhất châu Âu – không muốn tạo sóng gió với Moskva.
Thực tế, Nga đã kiếm được hàng trăm triệu đô la mỗi ngày từ xuất khẩu dầu và khí đốt của mình, làm suy yếu các biện pháp trừng phạt tài chính mà các cường quốc phương Tây đã áp dụng nhằm cắt giảm tài chính cho nỗ lực chiến tranh của Putin. Liên minh châu Âu, khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga, hiện đang vật lộn với thực tế rằng chi tiêu năng lượng của họ đã giúp trao quyền cho Putin thực hiện một cuộc chiến ở biên giới.
“Đến giữa tháng 5, chúng tôi sẽ đưa ra bản đề xuất để giảm dần phụ thuộc vào dầu, khí và than đá của Nga năm 2027”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyencho biết vào ngày 11/3, sau một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu để thảo luận về xung đột Nga – Ukraine.
Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đã bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine và làm thay đổi tất cả. Chỉ trong vài ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ra lệnh ngừng dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2. Đây là dự án được các công ty Đức tài trợ, nhằm tăng đáng kể nguồn năng lực vận chuyển khí đốt trực tiếp từ khi Nga sang châu Âu qua Ukraine.
Kadri Simson, ủy viên năng lượng Liên minh châu Âu cho biết khối sẽ công bố kế hoạch vào tuần tới nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đẩy nhanh việc áp dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn. Bà nhận định: “Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình”.
Ban đầu, Đức có kế hoạch đạt được mục tiêu chuyển đổi 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040, nhưng kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Đức hy vọng hoàn thành mục tiêu này trước 5 năm.
Frans Timmermans – lãnh đạo về chính sách khí hậu tại Liên minh châu Âu – đầu tuần này cho biết châu Âu có thể thay thế 100 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu Nga vào cuối năm nay. “Đó là hai phần ba số khí đốt chúng tôi nhập khẩu từ họ”, ông cho biết trước báo giới, “Hai phần ba chỉ trong năm nay. Đây là điều rất khó, nhưng có thể thực hiện nếu chúng ta sẵn sàng làm nhiều và mạnh tay hơn nữa”.
EU hiện phụ thuộc vào Nga để có 40% khí đốt tự nhiên. Nga cũng cung cấp 27% dầu và 46% than nhập khẩu cho EU. Tổng cộng, kim ngạch thương mại về năng lượng với Nga trị giá hàng chục tỷ USD một năm.
Tuần này, các lãnh đạo Liên minh châu Âu cho biết họ không thể cấm nhập dầu Nga như Mỹ. Vì việc này sẽ tác động lên các hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đang chật vật vì giá nhiên liệu lên cao thời gian qua.
Chính vì vậy trong ngắn hạn các nước Liên minh châu Âu sẽ không vội vàng mà chỉ từng bước tham gia lệnh cấm vận dầu, khí đối với Nga. Còn về dài hạn, nếu chiến sự ở Ukraine kéo dài, khả năng cao là Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ đạt được đồng thuận trên mặt trận năng lượng này.
Tuy nhiên, châu Âu biết họ cần hành động nhanh để giảm khả năng Moskva dùng năng lượng làm vũ khí trong cuộc chiến kinh tế hiện tại. Đây là điều Moskva vẫn luôn phủ nhận. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đầu tuần này cho biết Nga có thể ngừng cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 để trả đũa việc Đức ngừng dự án Nord Stream 2.