Sáng 14/6, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO3, HoSE: PGV ) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 cũng như các vấn đề thuộc thẩm quyền đại hội.
Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 13% trong quý III
Tại đại hội, ông Lê Văn Danh, Tổng giám đốc chia sẻ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, GDP xuống thấp nhất 10 năm, tăng phụ tải Việt Nam chỉ đạt 3,91% trong khi các năm trước trên 10%. EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu đạt 37.757 tỷ đồng, giảm 6%; lợi nhuận sau thuế phân bổ cho tổng công ty 3.141 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước.
Với kết quả vượt trội này, HĐQT đề xuất chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 13%, tương đương với mức thanh toán 1.461 tỷ đồng. Mức chia này cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 7% theo kế hoạch ban đầu đề ra. Thời điểm chi trả trong quý III.
Bên cạnh đó, công ty cũng cải thiện được đòn bẩy tài chính. Doanh nghiệp đã trả nợ 5.223 tỷ đồng trong năm trước, đặt mục tiêu trả tiếp 4.851 tỷ đồng năm nay. Theo đó, tính đến hết quý I, hệ số nợ của tổng công ty là 3,15 lần, phấn đấu đến cuối năm giảm xuống dưới 3 lần.
Với năm nay, lãnh đạo EVNGENCO 3 nhận thấy thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn kéo dài đến tháng 6 tại miền Bắc; sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo; chi phí giá nhiên liệu tăng cao; lãi suất và tỷ giá có xu hướng tăng. Song, tổng công ty cũng gặp những thuận lợi như có nguồn cung cấp khí đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện của Phú Mỹ, thủy văn thuận lợi.
Theo đó, HĐQT trình kế hoạch sản lượng điện sản xuất công ty mẹ 28,5 tỷ kWh, tăng 10% so với thực hiện năm trước; đóng góp lớn nhất là các nhà máy điện Phú Mỹ, Vĩnh Tân, Mông Dương.
Tổng doanh thu công ty mẹ 45.417 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận trước thuế 2.218 tỷ đồng, giảm 40% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 11% bằng tiền mặt.
Ngân sách đầu tư thuần năm nay ở mức 919 tỷ đồng và góp vốn gần 200 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết sẽ nổ lực phối hợp với các đối tác trong Tổ hợp các nhà phát triển dự án thúc đẩy hoàn thành công tác được chọn làm chủ đầu tư dự án Trung tâm điện lực Long Sơn – Giai đoạn 1 (1.500 MW) và triển khai thủ tục góp vốn để đầu tư xây dựng.
Trong giai đoạn 2022-2025, tổng công ty đặt mục tiêu tham gia góp vốn và đầu tư các dự án nguồn điện mới như tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng LNG, thủy điện, điện gió trên bờ/ngoài khơi, các loại nguồn khác… với tổng quy mô khoảng 2.500 MW.
Doanh nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp về quản trị để tiết kiệm chi phí như chương trình giảm suất hao than, xây dựng phần mềm quản lý kho thông minh… Tổng công ty đặt mục tiêu đến 2023 giảm 30% tổng giá trị vật tư thiết bị tồn kho so với thời điểm 31/12/2020 và đạt giá trị tồn kho tối ưu vào cuối năm 2025.
Quang cảnh đại hội. Ảnh: M.H
Đại hội thảo thuận:
Lợi nhuận 5 tháng 1.304 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm
-Tại sao đặt kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng trong khi giá điện thị trường cạnh tranh tăng tốt?
Tổng giám đốc: Tôi cho rằng nhà đầu tư thấy năm 2021 lợi nhuận vượt trội nên nhận định kế hoạch 2022 ở mức thận trọng. Nguyên nhân là giá nguyên liệu than tăng cao đột biến, nhiệt điện than chiếm đến 43% tổng sản lượng điện của tổng công ty. Ban lãnh đạo đánh giá sản lượng điện than sẽ giảm so với các năm trước khoảng 3 tỷ kWh, điều này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Tuy nhiên kết quả kinh doanh 5 tháng tương đối tốt, doanh thu ước đạt 18.034 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch năm; lợi nhuận 1.304 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch 5 tháng và đạt 68% kế hoạch năm. Do vậy, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh 2022 và chia cổ tức tỷ lệ 11%.
-Khả năng cạnh tranh điện than, khí so với gió và mặt trời thời gian tới?
Chủ tịch Đinh Quốc Lâm: Các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn từ Quy hoạch điện VIII. Hệ thống điện Việt Nam là hệ thống không kết nối với các nước khác cho nên khó mở rộng được khả năng hấp thụ điện.
Điện mặt trời và điện gió có đặc điểm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Bản chất như vậy nên điện khí và than đều có vai trò quan trọng trong hệ thống điện. Các dự án điện than, điện khí đều được EVN mua điện trong 20 năm do chi phí đầu tư lớn. Việt Nam triển khai thực hiện cam kết COP26, điện than sẽ giảm dần, tương lai điện khí sẽ sử dụng các loại khí hydrogen trộn khí giúp tỷ lệ phát thải CO2 giảm xuống. Hiện tại, giá hydrogen còn cao nhưng tôi kỳ vọng giá thành sẽ giảm trong 5 đến 10 năm.
-Nhận định giá điện cạnh tranh tháng 6 cũng như quý III và IV năm nay?
CEO: Tháng 6 và quý III, nước về hồ thủy điện đang ở mức cao. Do vậy, giá thị trường trong tháng 6 và quý III sẽ ở mức thấp. Qua quý IV, các hồ thủy điện phải tích nước cho mùa khô năm sau, khi đó điện than và khí sẽ phát điện nên giá tăng trở lại, ít nhất là bằng mức quý I. Doanh nghiệp sẽ tranh thủ phát điện giai đoạn quý IV để đem về doanh thu và lợi nhuận cao.
-Công ty còn khoản chênh lệch tỷ giá nào không? Khi nào EVN sẽ trả?
CEO: Doanh nghiệp đang trong quá trình quyết toán cổ phần hóa nên chưa được chi trả.
-Tình hình đảm bảo nguồn cung than như thế nào?
CEO: Nhiệt điện Mông Dương đang có hợp đồng dài hạn với TKV (80%) và Đông Bắc (20%) nên nguồn cung cấp than rất đảm bảo, tích trữ tồn kho cao. Vĩnh Tân 2 cũng ký hợp đồng với TKV và Đông Bắc khoảng 60%, phần còn lại đấu thầu các đơn vị trong và ngoài nước. Các năm trước, chiến lược này phát huy hiệu quả nhưng riêng năm 2022 giá than thị trường quá cao. Tổng công ty đã báo cáo EVN cùng giải quyết, tháng 6 vừa qua đã nhập khẩu đủ để ổn định sản xuất và đảm bảo giá thành không vượt quá 2.000 đồng/kWh, vẫn đảm bảo cạnh tranh.
Dừng kế hoạch thoái vốn NT2 và VSH
-Ban lãnh đạo có thể chia sẻ về kế hoạch thoái vốn của cổ đông lớn?
Lãnh đạo EVN: Tập đoàn đang sở hữu hơn 94% vốn EVNGENCO3 và có kế hoạch giảm vốn. Theo quy định, phải quyết toán cổ phần hóa xong thì tập đoàn mới thoái vốn được. EVN đã đăng ký thoái vốn tại tổng công ty trong giai đoạn 2022-2025. Chúng tôi kỳ vọng việc quyết toán cổ phần hóa hoàn thành trong 2022 và đến 2023 có thể tiến hành. Dự kiến đến 2025, EVN duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối trên 51%.
-Kế hoạch thoái vốn tại Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) và Nhơn Trạch 2 (NT2) để huy động vốn đầu tư không?
Chủ tịch: Ở thời điểm hiện nay, khi tiến hành các kế hoạch đầu tư trình cổ đông, tỷ lệ sở hữu các dự án từ 30-49%. Tổng công ty đã dự trù đảm bảo đủ nguồn vốn nên chưa có kế hoạch tăng vốn hay thoái vốn. Sau khi có quy hoạch VIII, chúng tôi sẽ có những chiến lược rõ ràng hơn.
CEO: Tổng công ty đã thay đổi kế hoạch thoái vốn. Tổng công ty từng có ý định thoái vốn với những khoản đầu tư không hiệu quả hay tỷ lệ sở hữu dưới 5%. Song, hiện nay tình hình đầu tư còn khó khăn nên tổng công ty không còn ý định thoái vốn nữa. Mặt khác, Vĩnh Sơn Sông Hinh đang hoạt động tích cực hơn sau khi dự án Thượng Kon Tum đi vào vận hành và Nhơn Trạch 2 cũng chia cổ tức rất tốt nên tổng công ty đã báo cáo với EVN dừng kế hoạch thoái vốn.
Đại hội thông qua tất cả tờ trình.