Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao, gây áp lực lớn lên tình hình tài chính. Đây là kết quả gây bất ngờ, bởi các năm gần đây EVN chưa từng thua lỗ, thậm chí lợi nhuận còn liên tục tăng giai đoạn 5 năm vừa qua.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, ghi nhận hết quý 2-2022, tập đoàn này có tổng tài sản là trên 673.157 tỉ đồng, giảm hơn 32.200 tỉ đồng so với đầu năm 2022. Phần lớn do tiền gửi ngân hàng giảm 19% về 75.718 tỷ. Nửa đầu năm, tiền gửi và tiền cho vay đem về cho EVN số tiền hơn 1.865 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tập đoàn đi vay tổng cộng hơn 327.500 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng nguồn vốn và hầu như là đi vay dài hạn. 6 tháng đầu năm, EVN phải trả hơn 6.529 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Tập đoàn ước tính giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 ở mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019 là 1.844,64 đồng/kWh.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ luỹ kế hơn 221.230 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này lại tăng hơn 225.440 tỷ đồng, khiến ghi nhận lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ là hơn 4.200 tỷ. Khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của EVN nửa đầu năm nay là hơn 12.677 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi trên 10.072 tỷ. Sau khi trừ các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý… EVN ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất hơn 16.586 tỷ đồng.
Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính. Chi phí sản xuất và giá bán lẻ điện bình quân tăng nhưng tập đoàn cho biết chưa đề xuất tăng giá điện. Tập đoàn này khẳng định tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và sinh hoạt người dân.
Trước đó, EVN liên tục thu lãi đậm. Năm 2017 và 2018 EVN lãi 6,6-6,8 nghìn tỷ đồng, sang năm 2019, lợi nhuận tăng gấp rưỡi lên 9,7 nghìn tỷ đồng. Hai năm 2020 và 2021, lợi nhuận EVN tăng mạnh lên tương ứng 14,5 và 14,7 nghìn tỷ đồng.