Chẳng có gì đảm bảo rằng FED sẽ kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Hy vọng về một “soft-landing”
Tại hội nghị Ngân hàng châu Âu, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết “không có điều gì chắc chắn rằng ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát mà không gây tổn hại đến thị trường lao động”.
FED lặp lại mục tiêu về một “soft-landing” vừa kiểm soát được lạm phát mà không khiến thị trường tiêu dùng điêu đứng, tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao.
“Chúng tôi tin rằng mình có thể làm được điều đó”, ông Powell nói. Tuy nhiên, để nói đến một “hạ cánh an toàn” FED thừa nhận đây là một thách thức rất lớn khó có thể thực hiện được.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde liên tục nói lại về những tác động do cú shock năng lượng gây ra. EU đã cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga bằng đường biển, nhưng tạm thời cho phép nhập khẩu bằng đường ống. Họ cần nhiều hơn thời gian để có thể cân bằng và tìm kiếm nguồn nhiên liệu mới.
Hơn ai hết, ECB và FED đã chậm chân trong việc định lượng tác động lạm phát xảy ra cách đây 1 năm trước đó. FED tin rằng lạm phát sẽ được kiềm chân khi chuỗi cung ứng được tháo gỡ, nền kinh tế phục hồi từ sau đại họa Covid-19.
Thế nhưng, mọi thứ ngược lại. Tốc độ lạm phát tăng phi mã, FED đã tăng lãi suất vào tháng 3, 5 và sẵn sàng tiếp tục mạnh tay hơn nữa.
Tuy nhiên, chỉ số CPI trong tháng năm đã tăng 8,6%, FED buộc phải hành động sớm hơn dự kiến – tăng lãi suất cơ bản lên mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Theo chân FED, ECB sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm “nghỉ ngơi” vào tháng 7 và tháng 9 để hạ gục tình hình lạm phát đang ở mức kỷ lục 8,1% tại khu vực eurozone.
Thị trường lao động có bị ảnh hưởng?
Các nhà kinh tế ngày càng lo ngại tình trạng lạm phát căng thẳng có thể khiến nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái nhanh hơn bao giờ hết.
Giữ vững quan điểm của mình, ông Powell nói rằng Mỹ đang có 1 thị trường lao động mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ còn 3,6% – mức thấp nhất trong 50 năm qua.
Các công ty gặp khó khăn trong việc lấp đầy các vị trí việc làm còn trống, khiến lương tăng và thu nhập trung bình theo giờ tăng thêm 10 xu so với tháng Tư, lên 31,95 USD.
Mức thu nhập này tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức tăng hàng năm của tháng 4/2022.
Cùng với quan điểm của FED, Tổng thống Joe Biden lạc quan với chỉ số sức mạnh việc làm tại Mỹ: “Chúng ta không né tránh, chúng ta mạnh mẽ hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới trong cuộc chiến chống lại lạm phát”, ông chủ phòng Bầu Dục nhấn mạnh.
Nước Mỹ đang đối diện với cơn khủng hoảng niềm tin trước tương lai có thể trở thành ngòi nổ phá hủy mọi cấu trúc nội tại của Mỹ, để trấn an, Tổng thống cho hay ông muốn dành cho nước Mỹ sự kiên cường và dũng cảm hơn bao giờ hết.
“Phải tự tin, hãy tự tin, chúng ta đang ở trên vị thế tốt nhất mà không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có được”.