Fed tăng lãi suất và cuộc đua bảo vệ dòng vốn và nâng đỡ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc

Khi Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm để giải quyết vấn đề lạm phát cao sau nhiều thập kỷ, các nhà phân tích đang suy đoán về cách Bắc Kinh sẽ cố gắng thực hiện để làm dịu biến động kinh tế.

Một trong những sóng gió bên ngoài mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc cảnh báo đã thành hiện thực, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tuyên bố tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ.

Động thái của Fed vào tuần này –  tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản, đồng thời thông báo sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6 và dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa đến cuối năm.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng nỗ lực tích cực của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát cao nhất trong 40 năm sẽ thu hút một lượng lớn vốn quay trở lại Mỹ, gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ và hạn chế việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh – một công cụ chính giúp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đánh vào các doanh nghiệp và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm của chính phủ.

Một ngày sau khi Fed điều chỉnh chính sách, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn giữ nguyên lãi suất khi bán ra 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) hợp đồng repo nghịch đảo, công cụ để bơm thanh khoản.

Tan Yaling, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng sự gia tăng dòng vốn chảy ra có thể được bù đắp một phần nếu Bắc Kinh tăng cường quy định đối với thị trường ngoại hối và ngăn chặn sự mất giá quá mức của đồng tiền Trung Quốc.

Bà Tan bày tỏ: “Nhân dân tệ chưa phải là một đồng tiền tự do chuyển đổi. Bắc Kinh nên thực hiện các biện pháp kiểm soát ngoại hối khi cần thiết. Tất cả đều vì mục đích an ninh tài chính”.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm 112,5 tỷ nhân dân tệ trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc trong tháng 3, sau khi bán 80,3 tỷ nhân dân tệ một tháng trước đó.

Nhà kinh tế trưởng của UBS Trung Quốc, Wang Tao, dự báo rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ có thể đạt 7,0 so với đô la Mỹ vào một thời điểm nào đó, nhưng có thể ổn định ở mức 6,9 vào cuối năm nay, trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt. Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ cao hơn đồng nghĩa rằng người ta phải mất nhiều nhân dân tệ hơn để mua một đồng USD, đồng nội tệ của Trung Quốc đang suy yếu đi.

Ông Wang cũng chỉ ra rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tìm cách làm chậm đà giảm giá của đồng nội tệ.

Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng Đại Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered, cũng lưu ý rằng Bắc Kinh có nhiều công cụ dự trữ để quản lý dòng chảy ra và bảo vệ đồng nhân dân tệ, nhưng việc Mỹ tăng lãi suất sẽ đè nặng lên khả năng của Bắc Kinh trong việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và chính sách tỷ giá của PBoC.

ông Ding cho biết PBOC có xu hướng chủ yếu sử dụng các công cụ định lượng và một số việc cắt giảm lãi suất “che giấu” để giúp hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các ngân hàng nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi – một động thái sẽ tạo thêm dư địa cho việc cắt giảm lãi suất huy động vốn.

“Các nhà hoạch định chính sách thường tránh đụng đến lãi suất chuẩn khi dòng vốn tháo chạy tăng mạnh”, ông Ding cho hay.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn quyết tâm đạt được các mục tiêu có phần mâu thuẫn với việc duy trì chiến lược “Zero-Covid” đồng thời đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay. Việc Fed tăng lãi suất khiến mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn.

Các cú sốc bên ngoài cũng gia tăng bao gồm sự sụt giảm doanh số bán lẻ trong bối cảnh phong tỏa nghiêm ngặt ở một số thành phố lớn, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát giá cả trong căng thẳng Nga-Ukraine.

Các số liệu kinh tế trong nước tiếp tục xấu đi khi chính quyền chưa thực hiện biện pháp hỗ trợ. Điều này dẫn đến làn sóng phản đối, yêu cầu Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng trong nước và điều chỉnh chiến dịch zero-Covid.

Exit mobile version