Sử dụng sức mạnh của ngành bảo hiểm và vận tải biển
G7 muốn sử dụng sức mạnh của ngành bảo hiểm và vận tải biển để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Nhưng thực hiện kế hoạch này không hề đơn giản.
Theo Financial Times, sáng 28/6, các nhà lãnh đạo của G7 (nhóm 7 ngành công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng. Điều đó nhằm ngăn chặn Nga trục lợi từ cuộc chiến ở Ukraine nhờ giá năng lượng tăng vọt, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD vào tháng 5 lên 20 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình năm 2021 của 15 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh đang thảo luận về việc áp trần giá dầu từ Nga.
Ý tưởng này cho phép Nga bán dầu cho các thị trường không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp và trung bình – nhằm hạ nhiệt giá dầu toàn cầu. Nhưng với mức giá trần, doanh thu từ dầu mỏ của Nga cũng sẽ bị hạn chế.
Các nhà phân tích cho rằng mức giá trần sẽ cao hơn chi phí sản xuất của Nga, nhưng không quá nhiều, để duy trì đà xuất khẩu.
G7 hy vọng rằng các nước nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới sẽ tham gia chương trình áp trần giá. Theo đó, các nhà nhập khẩu muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của G7 hoặc Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga cần phải tuân thủ giới hạn giá.
Washington đã ủng hộ việc áp trần giá ngay cả trước khi EU quyết định cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay. Mỹ lo ngại lệnh cấm sẽ đẩy giá dầu thô lên cao hơn.
Mỹ cũng lo ngại về tác động của lệnh cấm vận bảo hiểm đối với dầu thô của Nga từ EU. Các công ty bảo hiểm EU và Anh đóng vai trò quan trọng trên thị trường dầu mỏ. Nếu không có dịch vụ bảo hiểm của các công ty này, các nước nhập khẩu dầu khó có thể mua được dầu của Nga.
Theo một quan chức EU, không dễ thuyết phục đủ các quốc gia và tập đoàn bảo hiểm lớn tham gia kế hoạch áp giá trần.
G7 muốn sử dụng sức mạnh của lĩnh vực bảo hiểm và vận tải biển để thực hiện kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô của Nga. Ảnh: Reuters.
Theo Helima Croft, chuyên gia dầu mỏ kiêm Trưởng bộ phận Hàng hóa Toàn cầu tại RBC Capital Markets, sáng kiến giới hạn giá sẽ chỉ thành công khi các quốc gia như Ấn Độ tham gia chương trình mua dầu thô giá rẻ. Trên thực tế, từ cuối tháng 2, Ấn Độ đã tăng cường mua dầu giá rẻ từ Nga.
Croft đặt câu hỏi: “Liệu có thể áp đặt một mức giá đủ thấp để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow, nhưng đủ cao để Nga vẫn có động cơ xuất khẩu”.
Trong khi đó, EU cũng cần điều chỉnh các biện pháp trừng phạt. Điều này sẽ không dễ dàng, vì bất kỳ thay đổi nào cũng cần có sự chấp thuận của 27 quốc gia thành viên.
Theo các nhà phân tích, Nga cũng có thể tìm cách lách các lệnh cấm bảo hiểm. Các tàu chở hàng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ sẵn sàng duy trì các thỏa thuận. Trong khi đó, Nga cũng có khả năng sử dụng các tàu của riêng mình.
Vẫn còn những bất cập cho G7
Các nhà bảo hiểm tại thị trường London đã chỉ ra một số bất cập của quy định cấm bảo hiểm đối với những lô hàng vượt giá trần. Theo đó, các công ty bảo hiểm thường không biết giá giao dịch của lô hàng.
Theo quan chức EU, các quan chức G7 và EU cần đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát giá các lô hàng dầu. Nếu không, các công ty bảo hiểm có thể từ chối cung cấp bảo hiểm cho bất kỳ doanh nghiệp nào mà họ nghi ngờ không tuân theo giới hạn giá.
Nếu các công ty bảo hiểm muốn tránh mọi rủi ro pháp lý và ngừng giao dịch đối với tất cả các chuyến hàng dầu từ Nga, giá có thể còn cao hơn.
Nói với Financial Times, ông Darren Woods – Giám đốc điều hành của ExxonMobil – bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch áp trần giá.
“Tôi không hiểu cơ chế đó hoạt động như thế nào. Trong lĩnh vực dầu khí, thị trường hoạt động rất hiệu quả”, ông nói. Do đó, việc điều chỉnh giá dầu không hề đơn giản.
Rủi ro lớn nhất là Nga tìm cách trả đũa và leo thang cuộc chiến năng lượng. Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom gần đây đã cắt nguồn cung cấp cho châu Âu.
Theo các nhà phân tích, Moscow sẽ không sử dụng chiến thuật tương tự với dầu mỏ. Vì dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thu ngân sách của Nga. Ngoài ra, việc ngừng sản xuất dầu sẽ mang lại rủi ro lớn. Ví dụ, các mỏ có thể bị hỏng nếu các hoạt động bị tạm dừng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Moscow có thể cắt giảm nguồn cung để đẩy giá lên và gây áp lực lên các nền kinh tế châu Âu.