GDP là chỉ số không còn xa lạ trong việc đánh giá tổng quan một nền kinh tế tại thời điểm nhất định. Tuy được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ định nghĩa của chỉ số này. Hãy cùng tìm hiểu GDP là gì và những điều cơ bản về chỉ số này dưới đây.
1. GDP là gì?
GDP là viết tắt của cụm từ Gross Domestic Product, mang ý nghĩa là tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội. Đây là một chỉ số dùng để đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các dịch vụ và hàng hoá cuối cùng được sản xuất ra trong một phạm vi lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 quý hay 1 năm).
2. Phương pháp tính GDP
2.1 Phương pháp chi tiêu
Theo phương pháp chi tiêu, tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó chi mua các hàng hóa cuối cùng. Như vậy trong một nền kinh tế giản đơn ta có thể dễ dàng tính tổng sản phẩm quốc nội như là tổng chi tiêu hàng hóa và dịch vụ cuối cùng hàng năm.
GDP (Y) là tổng của tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và cán cân thương mại (xuất khẩu ròng, X – M).
Y = C + I + G + (X – M)
Chú giải:
- Tiêu dùng – Consumption (C) bao gồm những khoản chi cho tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình về hàng hóa và dịch vụ (xây nhà và mua nhà không được tính vào Tiêu dùngmà được tính vào Đầu tư tư nhân).
- Đầu tư – Investment (I) là tổng đầu tư ở trong nước của tư nhân. Nó bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị và nhà xưởng hay sự xây dựng, mua nhà mới của hộ gia đình (Lưu ý hàng hóa tồn kho khi được đưa vào kho mà chưa đem đi bán thì vẫn được tính vào GDP).
- Chi tiêu Chính phủ – Government purchases (G) bao gồm các khoản chi tiêu của chính phủ cho các cấp chính quyền từ TW đến địa phương như chi cho quốc phòng, luật pháp, đường sá, cầu cống, giáo dục, y tế,… Chi tiêu chính phủ không bao gồm các khoản CHUYỂN GIAO THU NHẬP như các khoản trợ cấp cho người tàn tật, người nghèo,…
- Xuất khẩu ròng – Net Exports (NX) = Giá trị xuất khẩu (X) – Giá trị nhập khẩu (M)
2.2 Phương pháp thu nhập hay phương pháp chi phí
Theo phương pháp thu nhập hay phương pháp chi phí, tổng sản phẩm quốc nội bằng tổng thu nhập từ các yếu tố tiền lương (wage), tiền lãi (interest), lợi nhuận (profit) và tiền thuê (rent); đó cũng chính là tổng chi phí sản xuất các sản phẩm cuối cùng của xã hội.
GDP = W + R + i + Pr + Ti + De
Trong đó
- W là tiền lương
- R là tiền cho thuê tài sản
- i là tiền lãi
- Pr là lợi nhuận
- Ti là thuế gián thu ròng
- De là phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định
2.3 Phương pháp giá trị gia tăng
Giá trị gia tăng của doanh nghiệp ký hiệu là (VA), giá trị tăng thêm của một ngành (GO), giá trị tăng thêm của nền kinh tế là GDP
VA = Giá trị thị trường sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp – Giá trị đầu vào được chuyển hết vào giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất
Giá trị gia tăng của một ngành (GO)GO =∑ VAi (i=1,2,3,..,n)
Trong đó:
- VAi là giá trị tăng thêm của doanh nghiệp i trong ngành
- n là số lượng doanh nghiệp trong ngành
Giá trị gia tăng của nền kinh tế GDPGDP =∑ GOj (j=1,2,3,..,m)
Trong đó:
- GOj là giá trị gia tăng của ngành j
- m là số ngành trong nền kinh tế
Lưu ý là kết quả tính GDP sẽ là như nhau với cả 3 cách trên. Ở Việt Nam GDP được tính toán bởi Tổng cục thống kê dựa trên cơ sở các báo cáo từ các đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như báo cáo của các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn ở Mỹ GDP được tính toán bởi Cục phân tích kinh tế.
3. GDP bình quân đầu người
GDP bình quân đầu người là chỉ số thể hiện bình quân kết quả sản xuất kinh doanh trên số dân trong một thời điểm nhất định (thường là 1 năm). Chỉ số này được tính bằng cách lấy GDP quốc gia chia cho tổng số dân của quốc gia đó tại thời điểm tính. Thông thường thì chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ tỷ lệ thuận với mức thu nhập cũng như mức sống người dân quốc gia đó.
4. GDP có mấy loại?
GDP được phân thành nhiều loại khác nhau, cụ thể:
GDP danh nghĩa
GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm nội địa theo giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ cuối cùng tính theo giá hiện hành. Sản phẩm sản xuất ra trong thời kỳ nào thì lấy giá của thời kỳ đó. Do vậy còn gọi là GDP theo giá hiện hành
GDPin = ∑QitPit
- i: loại sản phẩm thứ i với i =1,2,3…,n
- t: thời kỳ tính toán
- Q (quantum): số lượng sản phẩm; Qi: số lượng sản phẩm loại i
- P (price): giá của từng mặt hàng; Pi: giá của mặt hàng thứ i.
GDP danh nghĩa bao gồm những thay đổi về giá do lạm phát, nên chỉ số này phản ánh tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế. Nếu tất cả mức giá đồng thời tăng hoặc đồng thời giảm sẽ làm cho GDP danh nghĩa trở nên lớn hơn.
GDP thực tế
GDP thực tế là tổng sản phẩm nội địa tính theo sản lượng hàng hoá và dịch vụ cuối cùng của năm nghiên cứu còn giá cả tính theo năm gốc do đó còn gọi là GDP theo giá so sánh. Theo cách tính toán về tài chính – tiền tệ thì GDP thực tế là hiệu số của GDP tiềm năng trừ đi chỉ số lạm phát CPI trong cùng một khoảng thời gian dùng để tính toán chỉ số GDP đó.
- GDP thực tế sẽ phản ánh giá trị của tất cả hàng hóa – dịch vụ sản xuất ra và đã được điều chỉnh theo tác động của lạm phát.
- Nếu lạm phát dương, GDP thực tế sẽ thấp hơn GDP danh nghĩa.
- GDP thực tế là thước đo chuẩn xác hơn về tăng trưởng kinh tế, nên chỉ số này được dùng để phân tích kinh tế vĩ mô và lập kế hoạch cho ngân hàng trung ương.
GDP thực tế được đưa ra nhằm điều chỉnh lại của những sai lệch như sự mất giá của đồng tiền trong việc tính toán GDP danh nghĩa để có thể ước lượng chuẩn hơn số lượng thực sự của hàng hóa và dịch vụ tạo thành GDP. GDP thứ nhất đôi khi được gọi là “GDP tiền tệ” trong khi GDP thứ hai được gọi là GDP “giá cố định” hay GDP “điều chỉnh lạm phát” hoặc “GDP theo giá năm gốc” (Năm gốc được chọn theo luật định).
GDP xanh
GDP xanh là phần còn lại sau khi đã khấu trừ một khoản chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do tác động từ quá trình tái sản xuất.
5. Phân biệt GDP với GNP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khác với Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) ở chỗ loại bỏ việc chuyển đổi thu nhập giữa các quốc gia, nó được quy theo lãnh thổ mà sản phẩm được sản xuất ở đó hơn là thu nhập nhận được ở đó. Chẳng hạn như một nhà máy sản xuất đồ ăn nhanh đặt tại Việt Nam do công dân Mỹ đầu tư để tiêu thụ nội địa. Khi đó mọi thu nhập từ nhà máy này sau khi bán hàng được tính vào GDP của Việt Nam, tuy nhiên lợi nhuận ròng thu được (sau khi khấu trừ thuế phải nộp và trích nộp các quỹ phúc lợi) cũng như lương của các công nhân Mỹ đang làm việc trong nhà máy được tính là một bộ phận trong GNP của Mỹ.
6. Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số GDP
GDP chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, tùy thuộc vào phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Tuy nhiên, thông thường có 3 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chỉ số GDP. Cụ thể:
Dân số
Dân số là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chỉ số GDP. Dân số là nguồn cung cấp lao động cho các hoạt động trong xã hội, là cơ sở để tạo ra của cải vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, dân số cũng đồng thời là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm, loại hình dịch vụ do chính họ tạo ra. Bởi vậy, dân số và GDP có mối quan hệ tương quan, tác động qua lại lẫn nhau và không thể tách rời. Dân số chính là yếu tố giúp bạn dễ dàng tính toán chỉ số GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm nhất định.
FDI
FDI là viết tắt của từ tiếng Anh Foreign Direct Investment, có nghĩa là chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài, một hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay tổ chức của quốc gia này vào quốc gia khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. FDI cũng là một nhân tố quan trọng trong quá trình sản xuất vì yếu tố này bao gồm tiền bạc, vật chất, cơ sở hạ tầng, phương tiện sản xuất và các hoạt động xã hội liên quan. Do đó FDI sẽ ảnh hưởng một phần đến việc tính toán chỉ số GDP.
Lạm phát
Lạm phát là sự tăng lên liên tục mức giá chung một của hàng hóa hay dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nhất định. Đây là chỉ số nhận được sự quan tâm lớn trong lĩnh vực kinh tế. Một quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao thì phải chấp nhận xảy ra lạm phát ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao vượt mức quy định, nó sẽ tạo ra sự ngộ nhận cho tăng trưởng GDP và dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Chính vì vậy, nhà nước luôn phải có các chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát.
7. Ý nghĩa của GDP
GDP có ý nghĩa vô cùng lớn đối với một quốc gia, cụ thể:
- GDP là thước đo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, song song đó, đánh giá được sự biến động của sản phẩm/dịch vụ theo thời gian.
- Chỉ số GDP nếu suy giảm sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế và thậm chí dẫn đến các tình trạng kinh tế suy thoái, đồng tiền mất giá, lạm phát, thất nghiệp,… Đây là các ảnh hưởng xấu, liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.
- Chỉ số GDP bình quân đầu người cũng là thước đo cho biết mức thu nhập tương đối của người dân cũng như chất lượng sống ở mỗi quốc gia.
Ngoài những mặt tích cực, chỉ số GDP cũng có một số hạn chế nhất định:
- GDP không hoàn toàn phản ánh các hoạt động sản xuất như tự cung, tự cấp và không kiểm soát được chất lượng của hàng hóa.
- GDP không phải thước đo giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức, như hoạt động thị trường chợ đen, việc làm ngoài giấy tờ, công việc tình nguyện và sản xuất hộ gia đình.
- GDP không bao gồm lợi nhuận kiếm được trong một quốc gia, bởi doanh thu từ công ty nước ngoài được gửi lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới mà bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu, giao dịch trung gian giữa các doanh nghiệp.
- Sự tăng trưởng GDP không thể đem đến cái nhìn chính xác về sự phát triển của một quốc gia hay chất lượng cuộc sống người dân trong quốc gia đó. Bởi GDP chỉ nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không tính đến thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia.
Trên đây là những thông tin cơ bản về GDP – một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong kinh tế vĩ mô. Hy vọng bạn đã có thêm kiến thức để góp phần đọc hiểu và dễ dàng phân tích sự biến đổi của nền kinh tế.
Nguồn: ViMoney tổng hợp