Tăng trưởng GDP quý I năm 2022 cao hơn năm 2020 và 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều năm 2019 khi chưa có đại dịch Covid-19.
GDP quý I/2022 tăng 5,03%
Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố số liệu kinh tế – xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020
Trong Quý I, đa số các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại. Khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,45% (đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38% đóng góp 51,08%. Dịch vụ tăng 4,58% (đóng góp 43,16%).
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 7,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%). Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I/2021.
Ngành dịch vụ có dấu hiệu khởi sắc khi dịch bệnh được kiểm soát. Các ngành như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75%; vận tải, kho bãi tăng 7,06%; bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.
Quý I cũng ghi nhận sự phục hồi của xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong quý I cũng có dấu hiệu khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.
Quý II còn nhiều khó khăn
Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam bước sang quý II sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, trong khi tình hình địa chính trị phức tạp, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá cả hàng hoá tăng cao… Do vậy, cơ quan này đánh giá, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức.
Tổng cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128 quy định về thích ứng an toàn; tập trung giải ngân hết vốn đầu tư công. Việt Nam cũng cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường, cần liên tục cập nhật các kịch bản lạm phát và theo dõi diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu…
Bên cạnh đó, GSO cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất trong nước, tự chủ nguồn cung nhiên liệu, đẩy mạnh thị trường nội địa, tháo gỡ rào cản tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước.