Một số đơn vị sản xuất bia đã điều chỉnh giá bia sau khi gặp áp lực về nguồn cung, giá đầu vào.
Giá bia tăng trên mọi mặt trận, mua siêu thị rẻ hơn hàng tạp hóa
Tại một số đại lý, cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội ghi nhận, giá nhiều loại bia so với năm 2021 tăng 15.000-30.000 đồng/thùng. Theo ghi nhận, giá bia Tiger xanh, bạc dao động từ 350.000-395.000 đồng/thùng, giá bia Heineken tăng lên 425.000-450.000 đồng/thùng…
Chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội tên H. cho hay, giá bia tăng một phần do giá xăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng kéo theo mức tăng của nhiều mặt hàng. Bên cạnh đó, giá nhập từ đại lý cũng tăng nên giá bán lẻ sẽ phải cao hơn trước.
Đáng nói, giá bia tại các siêu thị được niêm yết ở mức thấp hơn. Thậm chí, một số loại bia còn có các chương trình khuyến mại. Khảo sát của Zing cho thấy, siêu thị hiện có mức giá thấp nhất là Top Market, tiếp đó là Co.opMart, Vinmart…
Khi sản phẩm đưa ra thị trường, một số siêu thị còn hạn chế số lượng bia bán ra do không đủ nguồn cung. Theo đại diện của MM Mega Market, một số siêu thị thuộc hệ thống này đã phải giới hạn vì lượng hàng dự trữ thấp. Lý giải, vị đại diện của MM Mega Market cho hay, phía nhà cung cấp đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất nên hàng hóa cung ứng cho đơn vị không được như trước.
Đọc thêm: Hà Nội có chi phí uống bia rẻ nhất thế giới, chưa bằng 1/10 so với New York hay Dubai
Người trong cuộc lên tiếng
Được biết, thời điểm cuối tháng 3, Habeco – Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội, đơn vị sở hữu một số thương hiệu như bia Hà Nội, Trúc Bạch, bia hơi Hà Nội… thông báo về việc từ 10/4 sẽ điều chỉnh giá các loại bia hơi. Trong đó, mỗi lít bia hơi loại 30, 50 lít tăng thêm 1.001 đồng; bia keng 2 lít tăng thêm 4.117 đồng/lít; bia hơi 1 lít loại xách 6 chai cũng tăng thêm 7.062 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, đây không phải lần đầu tiên Habeco thông báo về việc tăng giá. Trước đó, doanh nghiệp này vào ngày 1/1 đã thông báo tăng thêm 616-1.110 đồng/lít bia.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất bia cũng đồng loạt tăng giá bán chứ không riêng gì Habeco do phải chịu áp lực về chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Công ty sản xuất bia Carlsberg (Đan Mạch) ngày 4/2 cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ tăng giá bia trong năm 2022.
Nói về hoạt động kinh doanh của ngành bia trong năm 2022, Sabeco – Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn đánh giá, ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 cũng như những quy định của Chính phủ.
Đó là sự khắt khe trong tiếp thị, quảng cáo bia theo Nghị định 100 và Nghị định 24. Chưa kể, việc xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông cũng nặng hơn… Một yếu tố khác đó chính là đồ uống có cồn phải trả 3 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt khiến ngành bia khó càng thêm khó.
Không chỉ vậy, ngoài những thách thức chung về giá nguyên vật liệu đầu vào, cước vận tải… tăng thì các công ty sản xuất bia còn phải cạnh tranh khá khốc liệt để giành thị phần.