Giá cả hàng hóa leo thang, nhiều thực phẩm đột ngột tăng giá cao gấp đôi so với năm 2022, các mặt hàng thực phẩm khác cũng dần được niêm yết lại mức giá cao hơn.
Giá cả hàng hóa “nhảy dựng”?
So với 1 năm trước đây, giá trứng đã tăng cao gần gấp đôi. Ở TP.HCM ghi nhận mức giá 3.500 đồng/trứng gà, 3.800 đồng/trứng vịt.
Nhiều tiểu thương khóc ròng bởi chưa bao giờ giá trứng lại cao đến như vậy. Điều lo lắng, giá trứng tăng cao sẽ khiến mặt hàng này có thể khan hiếm trong thời gian tới bởi giá thức ăn chăn nuôi leo thang.
Bài toán khó khiến những người chăn nuôi đau đầu tìm lời giải đáp.
Giới kinh doanh cho biết, nguyên nhân giá cả hàng hóa tăng cao, đặc biệt là trứng do chi phí vận chuyển tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng, người nuôi giảm đàn, nguồn cung sụt giảm…
Tại nhiều siêu thị, mặc dù có chương trình khuyến mãi, giá trứng gà vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, sau khi giảm giá, trứng gà sạch TAFA có giá vẫn còn 28.500 đồng/chục, trứng gà Ba Huân loại 1 ở mức giá 33.000 đồng/chục, trứng gà Happy 31.500 đồng/chục.
Nhằm tránh tình trạng tích lũy đầu cơ, các siêu thị cũng gia hạn số trứng tối thiểu mà 1 người tiêu dùng mua về. Ngoài trứng, các mặt hàng thiết yếu khác cũng đang trên đà tăng giá như: Dầu ăn, mì gói, muối, hoa quả nhập khẩu,….
Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng hải sản nội địa thiên nhiên như: Ốc hương, ghẹ xanh đang tăng giá từ 20-30%. Trong đó, giá ghẹ xanh loại 1 lên mức kỷ lục gần 800.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Giá cả hàng hóa tăng cao, sức mua của người tiêu dùng giảm khiến lượng tiêu thụ giảm. Hơn nữa khi giá xăng chạm mốc 30.000 đồng/lít, người tiêu dùng có thói quen hạn chế chi tiêu hơn, nhu cầu mua sắm cũng ít hơn.
Thích ứng và thay đổi
Tại nhiều chợ lớn, lượng khách đi chợ ghi nhận giảm hơn so với trước. Giá cả hàng hóa leo thang, người buôn buộc phải giảm lãi để níu chân người mua, điều này khiến cho các tiểu thương ở chợ kinh doanh càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo Người Lao Động, tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM có lượng hàng nhập chợ hàng đêm vẫn ổn định. Lượng hàng về chợ dồi dào, mặt hàng rau củ quả, trái cây đạt trên 1.900 tấn nên không có chuyện tăng giá đột biến. Riêng việc điều chỉnh giá tăng cao hơn so với trước, nhất là tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, chợ truyền thống là do người bán quyết định.
Hiện giá nguyên vật liệu đầu vào, cước vận chuyển, xăng dầu tăng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ giá để hỗ trợ người dân.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia bày tỏ: “Cước vận chuyển vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều mặt hàng tăng giá tại nguồn, một số mặt hàng thị trường Việt Nam ưa chuộng không có để nhập. Những biến động này khiến tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng phải chấp nhận”.