Nhiều chủ dự án ôm đất bỏ hoang bấy lâu nay. Hiện tại, giá đất nền ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đang tăng giá bất thường kèm theo nhiều thông tin quy hoạch và các dự án khủng.
Hà Nội hiện có hàng trăm dự án bất động sản, dù hàng chục năm trôi qua vẫn chậm triển khai, nhiều chủ đầu tư “ôm đất” gây lãng phí. Huyện Mê Linh (Hà Nội) với gần 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và dẫn đầu địa bàn có nhiều dự án bỏ hoang nhất. Trong số các dự án bỏ hoang trên địa bàn huyện Mê Linh có 3 dự án bị thu hồi.
Thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của pháp luật về đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá đất Mê Linh tăng cao, tại xã Tiền Phong, quanh khu vực dự án Cienco 5, giá đất thổ cư đã tăng từ 15 – 23 triệu đồng/m2 lên 21 triệu – 40 triệu đồng/m2.
Ngay cả những dự án nhiều năm “xơ xác”, cỏ dại mọc um tùm nhưng nhờ tin đồn về quy hoạch nên giá trị cũng tăng từ 40-70%. Đơn cử, các dự án nhà liên kế tại Diamond Park, Mê Linh New City, Mê Linh Vista … đã tăng lên 20 – 23 triệu đồng/m2. Hay như dự án siêu đô thị AIC Mê Linh với những lời quảng cáo “có cánh” như: Khu đô thị mới hiện đại bậc nhất Hà Nội, thành phố của thế kỷ 21, được ví như Phú Mỹ Hưng phía Bắc. Nhưng thực tế hiện nay, sau 10 năm chỉ là bãi đất hoang.
Một nhân viên môi giới bất động sản cho biết, lượng người đến xem đất nền tại huyện Mê Linh thời gian gần đây tăng vọt ở cả đất thổ cư và dự án. Giá đất tùy vị trí, mặt đường đẹp trên 50 triệu. Tuy nhiên, không dễ mua được vì người dân vẫn ôm đất chờ giá lên.
Quy trình quy hoạch của thành phố Hà Nội cũng tương tự như quy hoạch của thành phố Thủ Đức (TP.HCM) với ý định hợp nhất 3 quận, trong đó có Mê Linh thành một quận trong thành phố. Thị trường bất động sản quận Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng đầu cơ làm tăng giá khiến nhiều người mơ mộng rồi phải vỡ mộng.
Cùng với đó là thông tin huyện Hoài Đức, Thanh Trì lên quận vào năm 2021, trong khi những năm trước đất ở những khu vực này cũng “nóng” từng ngày. Hiện nhiều dự án hơn 10 năm vẫn nằm yên chờ đợi với hàng trăm căn nhà bỏ hoang như dự án Kim Chung – Di Trạch, khu đô thị Vân Canh …
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Sau 2 tháng thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 ở Hà Nội, giới đầu tư và giới “cò đất” Hà Nội cảm thấy “bứt rứt” vì lý do này nên ở nhiều nơi quanh khu vực Hà Nội, ngay sau khi hết thời gian giãn cách các nhà đầu tư đã đổ về đây để cập nhật thị trường.
Trong khi quỹ đất tại các khu vực “truyền thống” ở phía Tây như Hoài Đức, Đan Phượng hay Thạch Thất tăng giá và kém hấp dẫn, thì các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các thị trường có giá đất rẻ hơn, chuẩn bị lên kế hoạch.
“Tốc độ tăng giá bất động sản phải tỷ lệ thuận với tăng trưởng đầu tư thực để tạo ra giá trị về hạ tầng, đời sống, dịch vụ cho các khu vực kết nối và dù đầu tư đến đâu thì giá trị cũng tăng theo”. Việc tăng giá nhà trong giai đoạn đầu công bố quy hoạch là bình thường, nhưng tăng 5-7% là hợp lý, còn nếu tăng quá là bất thường. Bất động sản sẽ tăng theo hạ tầng, nhưng phải đầu tư thực sự ”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.