Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL – mã chứng khoán: OIL) đã công bố BCTC quý 1/2202 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.
Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 23.288 tỷ đồng – cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lãi gộp còn 1.043 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 1/2021.
Trong kỳ OIL thu về 133 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 33% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng thêm 44%, chi phí bán hàng và chi phí QLDN lần lượt tăng thêm 21% và 12% so với cùng kỳ. Hoạt động liên doanh liên kết giảm mạnh lãi từ 8,3 tỷ đồng xuống còn hơn nửa tỷ đồng, lãi khác cũng giảm mạnh.
Kết quả OIL lãi sau thuế 283 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, LNST công ty mẹ là 218,6 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 211 đồng.
OIL cho biết trong những tháng đầu năm 2022, giá dầu Brent tăng 43,6% so với trung bình năm 2021 và tăng 65,52% so với cùng kỳ. Cùng xu hướng giá dầu thô thế giới, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu đều tăng từ 63% – 78% so với cùng kỳ và tăng từ 39% – 52% so với bình quân năm 2021, tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó OIL có thực hiện chuỗi liên kết theo chỉ đạo từ PVN. Nên trong lúc dịch bệnh, tận dụng được liên kết với nhau thì không bị ảnh hưởng nhiều, có thể lưu kho xăng dầu ổn định. Và khi bình thường mới thì OIL có sẵn tồn kho hợp lý cùng cơ sở vật chất ổn định, trong khi các bên nhập dầu rất khó nên Công ty bán hành tốt, dẫn đến chỉ số năm 2021 và quý đầu năm nay tốt.
Về kế hoạch, trong năm nay, PV OIL đặt mục tiêu 45.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 23% và 48% so với năm 2021. Như vậy với kế hoạch này, kết thúc quý 1 OIL đã hoàn thành được 52% mục tiêu về doanh thu và 71% mục tiêu về lợi nhuận.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất tính đến 31/3/2022, PVOIL giảm lỗ luỹ kế từ 402 tỷ đồng xuống còn175,3 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ 2022, lãnh đạo OIL cho biết, nếu trong năm 2022 hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2022 thì PVOIL sẽ thoát được lỗ luỹ kế và sẽ thực hiện kế hoạch chuyển sang sàn HOSE.
Để sang được sàn này cần đảm bảo các điều kiện ngặt nghèo. Theo đó, cần hết lỗ luỹ kế trong báo cáo tài chính hợp nhất, không còn điểm loại trừ trong báo cáo kiểm toán, ROE năm gần nhất đạt 5% trở lên.
Hiện nay PVOIL vẫn còn 3 điểm loại trừ liên quan đến nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, công tác quyết toán của công ty PETEC, và hoàn thành một số thủ tục đất đai liên quan đến một số công ty thành viên.
Trên thị trường, cổ phiếu OIL chốt phiên cuối cùng của tháng 4 với mức tăng 2,24% lên 13.700 đ/CP. Khối lượng khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần đây đạt hơn 1,5 triệu cổ phiếu.