Giá dầu trên thế giới được nhận định sẽ tăng vọt vào mùa Đông. Liệu rằng, nó tác động, ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
Giá dầu tăng vọt vào đầu mùa Đông?
Đây là nhận định của ông John Driscoll – chiến lược gia tại JTD Energy Services khi trả lời phỏng vấn CNBC. Ông cho rằng giá dầu có thể “tăng vọt” khi mùa đông đến gần và OPEC cùng các đồng minh vẫn sẽ tuân theo thỏa thuận trước đó về sản lượng dầu.
“Tôi thực sự không nghe thấy ai nói về triển vọng sẽ giảm xuống trong mùa đông”, ông John Driscoll nói và cho rằng, tất cả sự không chắc chắn về thời tiết và biến đổi khí hậu, giá dầu có thể tăng đột biến.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng tình trạng thiếu khí đốt cùng các cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ càng đẩy nhu cầu dầu mỏ tăng cao. Dự kiến mùa đông này sẽ rất lạnh.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh bao gồm cả Nga dù phải chịu áp lực từ các đối tác hàng đầu như Mỹ và Ấn Độ yêu cầu bổ sung thêm nguồn cung sau khi giá dầu tăng 50% trong năm nay nhưng trong cuộc họp hôm đầu tuần, tổ chức này tiếp tục thống nhất tuân theo thỏa thuận đã cam kết tăng sản lượng dầu lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 11 và từ chối các yêu cầu bơm thêm dầu.
Đánh giá về động thái này, ông John Driscoll cho rằng quyết định của OPEC + là “quá thận trọng”.
Sau quyết định của OPEC +, giá dầu đạt mức cao nhất trong ba năm. Vào sáng thứ Tư theo giờ Châu Á, giá dầu Brent lần cuối ở mức 82,47 USD/thùng và WTI là 78,84 USD.
Tuy nhiên, ông Driscoll nhận định rằng, giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng, nhưng sẽ không kéo dài lâu.
Chuyên gia nhận định ảnh hưởng đến Việt Nam
Trong nước, những lần điều chỉnh gần đây cho thấy giá bán lẻ xăng dầu cũng tăng liên tục. Trong đó, tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất ngày 25/9, mỗi lít RON 95 tiến sát ngưỡng 22.000 đồng, còn xăng E5 RON 92 cũng tăng lên gần mức 21.000 đồng/lít. Như vậy, so với đầu tháng 2, xăng RON 95 tăng 4.670 đồng mỗi lít, còn xăng E5 RON 92 cũng thêm 4.410 đồng/lít.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – bà Lê Việt Nga nhận định, xu hướng tăng giá xăng dầu là do nhiều nền kinh tế kiểm soát được dịch Covid-19, đang trong quá trình mở cửa và phục hồi nên nhu cầu đi lại, sản xuất tăng cao. Theo bà, giá xăng dầu thế giới được dự báo là sẽ khó giảm. Trong khi đó, đây lại là yếu tố quan trọng tác động tới giá xăng dầu trong nước.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, thời gian tới, giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Nhưng giá dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cung – cầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có giảm bớt sản lượng và lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng hay giảm.
Về tác động của giá dầu thế giới đến nền kinh tế Việt Nam, theo PGS-TS Ngô Trí Long, ở mặt tích cực, giá dầu tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô cũng như nguồn thu gián tiếp từ các loại thuế từ xăng, dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngân sách cũng sẽ tăng.
Có thể thấy, trước đó, giá dầu giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác dầu khí trong nước. Doanh nghiệp trong nước có thể tính toán tận dụng thời điểm này để tăng khối lượng khai thác, xuất khẩu.
Đại diện Bộ Công Thương trả lời về vấn đề này cho biết, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm tới 60%-80%, bộ đã cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng xuất khẩu dầu thô để thêm nguồn thu cho nhà nước nhưng vẫn lưu ý DN phải tính toán kỹ, tăng sản xuất nhưng phải bảo đảm được đầu ra.
Nhưng ở chiều ngược lại, PSG-TS Ngô Trí Long cho rằng, giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm đi lên, làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, gia tăng áp lực lên giá cả. Và đây là nhân tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thời điểm Việt Nam đang chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, việc giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian ngưng trệ.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước mắt, khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay như sử dụng quỹ bình ổn để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu.
Phía đại diện Bộ Công Thương khẳng định vẫn luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phối hợp với Bộ Tài chính phát huy hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Cát Anh (T/h)