Từ hôm nay, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng thêm 3% sau 4 năm không đổi. Như vậy, chưa tính thuế, giá điện sẽ lên mức 1.920,37 đồng/kWh.
Giá điện tăng từ ngày 4/5
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vùa ký quyết định tăng giá điện. Theo quyết định này, giá bán điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,37 đồng với một kWh, tương đương tăng 3% chưa bao gồm thuế VAT. Được biết, Chính phủ, Bộ Công Thương đã đồng ý đối với Quyết định này về mặt chủ trương.
Như vậy giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng sau 4 năm kìm giữ.
Trong rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), điện hiện đang chiếm tỷ trọng lớn. Trong các lần chia sẻ trước đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đều khẳng định rằng, các phương án đề xuất tăng giá đã được tính toán kỹ, lộ trình phù hợp.
Cuối tháng 3, Bộ Công Thương công bố số liệu giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022. Theo đó, giá sản xuất một kWh tăng 9,27% so với năm 2021, ở mức 2.032,26 đồng. Tức là EVN đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh so với mức giá bán lẻ bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng.
Tập đoàn EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện do chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu đến từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với 2021. Sau khi trừ đi các khoản thu nhập tài chính khác, năm ngoái EVN lỗ gần 26.240 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của tập đoàn này, nếu không được tăng giá điện trong năm nay, số lỗ cả năm nay ước tính vào khoảng 64.000 tỷ đồng bởi tỷ giá USD tăng, giá nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện, điện khí cũng tăng. Chưa kể, giá mua điện tái tạo đắt đỏ.
TGĐ Tập đoàn điện lực đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường
Ngày 12/12/2022, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1479 của Thủ tướng. Tại đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân thông tin, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện năm 2022 tăng rất cao.
Tình hình tài chính EVN năm 2022 cũng như thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do giá dầu tăng, giá khí “ăn theo” giá dầu, giá than cũng tăng so với đầu năm 2021 còn giá điện thì vẫn bình ổn từ năm 2019 đến nay.
Lãnh đạo EVN cho rằng, việc mất cân đối tài chính khiến cho EVN nguy cơ sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; không có tiền trả cho các đơn vị bán điện trong thời gian tới. Hệ quả kéo theo, đó là hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
EVN vì thế kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện. Có nghĩa là, khi các yếu tố đầu vào tăng, giá điện tăng và ngược lại. Cơ chế này tự động, tương tự như điều chỉnh giá xăng dầu.