Giá POT tăng gấp đôi sau 2 tuần, cổ đông lớn muốn bán ra toàn bộ
Ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Bích Hồng – Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện – Postef (mã CK: POT) đăng ký bán toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu POT, tương ứng 7,72% vốn điều lệ theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sở giao dịch. Thời gian thực hiện giao dịch từ 19/4 đến 18/5/2022.
Về cơ cấu cổ đông của Postef, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang sở hữu 50%, 2 cổ đông lớn còn lại là bà Nguyễn Thị Bích Hồng (7,7%) và Chứng khoán Liên Việt – LVS (11,3%). Sau giao dịch thành công, bà Hồng không còn sở hữu cổ phiếu.
Hiện tại, ngoài vai trò Thành viên HĐQT Postef, bà Nguyễn Thị Bích Hồng còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS) – thành viên của Tập đoàn Him Lam, tổ chức hợp tác thực hiện dự án phức hợp tại 61 Trần Phú.
Bà Hồng đăng ký bán cổ phiếu POT trong giai đoạn cổ phiếu POT tăng trần 8 phiên liên tiếp và có biến động giá mạnh vào ngày 15/4. POT tăng kịch trần vào đầu phiên lên 44.200 đồng/cp rồi giảm mạnh do áp lực bán quá lớn từ sau 10h khi có thời điểm giảm 17% so với giá trần và xuống mức thấp nhất 36.500 đồng/cp trước khi kết phiên ở 38.000 đồng/cp. So với mức giá đóng cửa ngày 1/4 là 19.000 đồng/cp, giá POT đã tăng gấp đôi chỉ sau 2 tuần.
Kiến trúc dự án chuẩn bị khởi công tại 61 Trần Phú
Đây là công trình thương mại, văn phòng, khách sạn đa chức năng cao 11 tầng nổi, 1 tầng hầm (chiều cao tối đa 42,9m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329,5m2 với tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên doanh với Postef để thực hiện dự án là Công ty CP Him Lam và Công ty CP Liên Việt Holdings.
Dự án được xây dựng trên khu đất có vị trí vô cùng đắc địa với 4 mặt tiền nằm giữa 4 trục đường Hùng Vương – Trần Phú – Lê Trực – Nguyễn Thái Học và rất gần khu vực gần quảng trường Ba Đình. Không những vậy, nằm trên khu đất này là một công trình cổ của Pháp hàng trăm năm tuổi nên việc phá dỡ để xây mới đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Một mặt của tòa nhà đối diện Nguyễn Thái Học là bức phù điêu khắc nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ thành phố Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây từng là địa điểm dân quân Hà Nội bắn rơi máy bay Mỹ ngày 19/5/1967.
Chiều 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo tạm dừng việc phá dỡ công trình này.