Việc Trung Quốc lệnh cung ứng điện bằng mọi giá dấy lên lo ngại về việc giá than, khí đốt sẽ leo thang trên thế giới.
Giá than lập kỷ lục mới tại Trung Quốc
Trong cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang trở nên trầm trọng. Nước này phải yêu cầu hàng loạt nhà máy tiêu thụ điện năng lớn cắt giảm công suất sản xuất hoặc thậm chí tạm ngừng hoạt động. Lo ngại về giá cả hàng hóa tăng cao do nguồn cung hạn hẹp và đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi mùa mua sắm cuối năm đang tới gần là vấn đề khó tránh.
Trước đó, giá than giao kỳ hạn tại Trung Quốc trong phiên 29/9 đã lập kỷ lục mới. Trong năm nay, giá than tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi khi nhu cầu tiêu thụ điện từ các nhà máy tăng cao trong khi tăng trưởng sản lượng khai thác từ các mỏ chậm lại.
Để giải quyết tình trạng này, một số nguồn tin của Bloomberg cho biết, chính phủ Trung Quốc đang xem xét tăng giá điện ở khu vực sản xuất công nghiệp, thậm chí có thể tăng giá điện sinh hoạt.
Chính phủ nước này còn lệnh cho các nhà máy điện phải tăng cường sản xuất để cung ứng đủ nguồn điện, đặc biệt cho mùa đông sắp tới. Tuy nhiên, với mức giá hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện không mặn mà với việc tăng sản lượng bởi giá than, giá dầu và khí đốt đều tăng đột biến.
Bloomberg dẫn nguồn tin quen thuộc cho hay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính – người phụ trách lĩnh vực năng lượng và công nghiệp của nước này – vừa trực tiếp yêu các doanh nghiệp năng lượng quốc doanh hàng đầu của nước này, từ than, điện cho đến dầu mỏ, phải đảm bảo cung ứng đủ điện bằng mọi giá cho mùa đông sắp tới.
Trong đó, State Power Investment Corp. và China Energy Investment Corp. – các công ty điện lực khổng lồ thuộc sở hữu chính phủ Trung Quốc được ông Hàn chỉ đích danh phải đảm bảo nguồn cung ứng điện và than cho mùa đông.
Theo ông Bjarne Schieldrop – nhà phân tích hàng hóa chính tại SEB cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc ngụ ý rằng họ sẽ đưa ra bất cứ giá nào để thắng thầu cho một lô hàng than hay khí đốt.
Còn Chủ tịch Công ty tư vấn Gas Vista LLC có trụ sở tại New York – ông Leslie Palti-Guzman cho rằng, động thái của Trung Quốc nhằm đưa an ninh nguồn cung trở lại ưu tiên hàng đầu. Và đây được đánh giá là tin xấu đối với các chính phủ và người tiêu dùng châu Âu. Họ sẽ phải vật lộn với giá điện và giá than, khí đốt tăng cao trong mùa đông khi cạnh tranh với Trung Quốc về nguồn cung.
Khủng hoảng năng lượng có ảnh hưởng đến giá than và khí đốt ở Việt Nam?
Việc khủng hoảng năng lượng trên thế giới có ảnh hưởng gì đến giá than, khí đốt và các nhiên liệu khác ở Việt Nam không là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định: “Giá một số nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng trong ngắn hạn nhưng việc sản xuất của doanh nghiệp Việt chưa bị ảnh hưởng ngay”.
Theo ông Thành, Bộ Công Thương hiện “chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp Việt Nam về việc thiếu nguyên liệu đầu vào, trong đó có nguồn than”.
Nói kỹ hơn, ông cho biết, từ đợt dịch đầu tiên năm 2020 đã xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã quen dần và có phương án ứng phó, chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các thị trường khác thay thế.
Ngoài ra, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện chưa cao do năng lực sản xuất công nghiệp trong nước giảm mạnh cũng như ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ tư khi Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội.
“Qua rà soát một số mặt hàng như thép xây dựng, Việt Nam không lo ngại việc phụ thuộc vào phía nước bạn. Một số ngành khác cũng như vậy, hiện chưa ghi nhận sự thiếu hụt nguyên liệu sản xuất”, vị này nói.
Ông Thành chia sẻ, trong thời gian tới sẽ phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để trao đổi; nếu có sự biến động các nguyên liệu đầu vào trong ngành công nghiệp, sẽ có phương án ứng phó.
Ở một diễn biến khác, bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là lời cảnh báo kịp thời cho Việt Nam, để tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển điện trong 10 năm tới.
Theo bà, cơ cấu và tỉ trọng ngành điện của Việt Nam theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ khá giống với hệ thống điện của Trung Quốc, đó là phụ thuộc vào thuỷ điện lớn, nhiệt điện than và khí. Việc này sẽ tạo rủi ro rất lớn, bởi hầu hết các dự án điện than mới đều sử dụng nguồn than nhập khẩu – trong khi giá than trên thị trường thế giới đang tăng “phi mã”.
Cát Anh (T/h)