Lần thứ 14 liên tiếp điều chỉnh giảm với biên độ 300.000-500.000 đồng/tấn, giá thép hiện đang ở quanh mốc 14,4-15,7 triệu đồng.
Giá thép cần điều chỉnh 4-5 lần mới trở về trước thời điểm “bão giá”
Giá thép tiếp tục giảm lần thứ 14 liên tiếp kể từ giữa tháng 5 tới nay. Trong khi lần điều chỉnh gần nhất là cách đây 2 tuần. Theo đó, trong lần điều chỉnh này, các doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Kyoei… đều giảm từ 300.000-500.000 đồng mỗi tấn thép.
Một trong những thương hiệu thép giảm giá mạnh nhất là Thép Miền Nam. Doanh nghiệp này giảm giáthép thanh vằn D10 CB300 đến 510.000 đồng/tấn và giảm 360.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240. Giá 2 mặt hàng này lần lượt ở mức 15,73 triệu đồng và 15,12 triệu đồng một tấn.
Hiện giá thép Việt Đức đang nằm trong nhóm thấp nhất thị trường khi giảm từ 350.000-400.000 đồng/tấn, về mức 15,1 triệu đồng/tấn đối với thép D10 CB300 và còn 14,4 triệu đồng/tấn đối với thép CB240.
Lũy kế hơn 3 tháng qua, trong nước, giá thép giảm khoảng 4,5 triệu đồng/tấn. Mức giá chung của loại vật liệu này đang bán quanh mốc 14,4-15,7 triệu đồng/tấn. Dù liên tiếp điều chỉnh nhưng giá thép ở hiện tại nếu muốn quay về mốc 12,5 triệu đồng/tấn trước khi xảy ra “bão” giá cần 4-5 lần điều chỉnh ở biên độ tương tự.
Thực trạng ngành thép thời gian qua
Nhu cầu suy giảm và tăng tồn kho là những từ khóa chính mô tả về thực trạng của ngành thép trong thời gian qua.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa số liệu cho thấy, tháng 7/2022, tổng sản lượng thành phẩm giảm 6% so với tháng trước, 13% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt 2,25 triệu tấn. Doanh số bán hàng nội địa còn 1,99 triệu tấn, giảm 11% so với tháng trước, sụt 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ tháng 3, sản lượng tiêu thụ thép giảm mạnh đã khiến lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 7,3%. Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, nguyên nhân bởi thị trường bất động sản trong nước đã rơi vào cảnh chững lại sau khi cơ quan chức năng có động thái kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.
Cùng với đó, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine khiến cho nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu giảm. Số liệu Fiinpro cho thấy, tồn kho thép của các doanh nghiệp trong VSA đang ở mức cao. Quý II, con số tồn khi ở quanh mức 1.500-1.600 tấn/tháng.
BSC dự đoán, sản lượng tiêu thụ thép trong quý III vẫn ở mức thấp bởi đây là mùa thấp điểm xây dựng, cùng với đó hoạt động sản xuất tại các nhà máy thép ở tình trạng cầm chừng do tồn kho lớn.
Dù vậy, giá nguyên liệu đầu vào giảm sâu được cho là trợ lực lớn đối với các doanh nghiệp thép ở nửa cuối năm nay. Theo thống kê của VSA, so với mức giá cao nhất hồi đầu tháng 5/2021, giá quặng sắt loại 62%Fe giảm hơn 100 USD/tấn. Trong khi đó, giá than mỡ luyện cốc so với tháng 4/2022 cũng giảm gần 3 lần. Cùng tình trạng, giá thép phế liệu và cuộn cán nóng HRC lao dốc từ 35-45% so với đỉnh.
BSC cho rằng, trong quý cuối năm nay, việc chi phí sản xuất giảm tương đối sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp được cải thiện.