Từ ngày 15/3, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá thép, đắt thêm 600.000 đồng/tấn.
Giá thép 3 lần điều chỉnh từ đầu tháng 3
Dân Trí đưa tin, các công ty thép vừa thông báo về việc điều chỉnh tăng giá bán. Đáng nói, đây không phải lần điều chỉnh đầu tiên. Gần đây nhất, giá thép được điều chỉnh vào ngày 5/3 và 9/3.
Từ 15/3, giá thép cây, thép cuộn xây dựng được Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên điều chỉnh tăng lên 600.000 đồng/tấn, chưa bao gồm VAT. Lý giải về việc điều chỉnh giá, doanh nghiệp này nhấn mạnh về tăng cao giá phôi thép, nguyên vật liệu.
Cùng thời điểm trên, Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức điều chỉnh tăng 600 đồng/kg, chưa gồm VAT. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng sẽ cập nhật mới bắt đầu từ 15/3.
Có thể thấy, từ đầu tháng 3 đến nay, đã có tới 3 lần điều chỉnh tăng giá trên thị trường thép với tổng mức tăng là 1,6 triệu đồng. Hôm 9/3, giá thép được điều chỉnh tăng 600.000 đồng/tấn, hôm 5/3 là 400.000 đồng/tấn.
Doanh nghiệp xây dựng méo mặt
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tính toán, thép xây dựng chiếm từ 18 – 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng. Chi phí thép xây dựng còn lớn hơn đối với công trình xây dựng cầu đường. Nói cách khác, trong cấu thành giá các công trình xây dựng, giá thép hiện chiếm tỷ lệ lớn.
Việc giá thép rơi cảnh tăng chóng mặt như hiện tại đã khiến cho nhiều nhà thầu phải đau đầu. Nhiều công trình đối mặt với nỗi lo vỡ tiến độ. Trong khi đó, nhiều nhà thầu có nguy cơ lỗ nặng.
Các doanh nghiệp xây dựng cho hay, không chỉ thép, các nguyên vật liệu khác cũng ở trong tình cảnh tăng giá, phải kể đến như nhôm, cát, dây điện…
Nhóm chuyên gia chứng khoán VnDirect nhận định trong một báo cáo chuyên đề được công bố mới đây, xung đột Nga – Ukraine gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép. Bởi vậy, cùng với giá dầu, phân bón thì giá thép có thể neo ở mức cao.
Đồng nghĩa với việc, một số doanh nghiệp ngành thép có thể sẽ được hưởng lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do nhu cầu xuất khẩu gia tăng, giá bán neo cao.
Hiệp hội thép thế giới (WSA) cho hay, trong năm 2021, Nga và Ukraine đã sản xuất 97,4 triệu tấn thép và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép.
Từ 24/2, ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo thang, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (gồm có Metinvest và ArcelorMittal) đã lên kế hoạch về việc cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu. Lý do được đưa ra là bởi hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng đang bị đình trệ.