Khi Phố Wall lạc quan hơn về triển vọng của AMD, cổ phiếu của công ty đã đi ngược xu hướng vào phiên giao dịch “bão tố” ngày 22/2, với giá trị thị trường vượt 188 tỷ USD và tiếp tục tăng.
Trong phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu của nhà sản xuất linh kiện bán dẫn Advanced Micro Devices đã tăng 1,6% trong khi nhóm chỉ số PHLX Semiconductor Sector chuyên về các công ty sản xuất chất bán dẫn giảm 0,8%. Thị trường chứng khoán thế giới và chứng khoán Mỹ ngày 22/2 sa sút trên diện rộng khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.
Vào ngày 22/2, sau khi công ty tư vấn đầu tư Bernstein nâng hạng AMD lên “vượt trội” và nói rằng “định giá của AMD ngày càng trở nên hấp dẫn hơn”, cổ phiếu này đã dừng đà giảm trước đó và tăng nhẹ trở lại.
Tính đến cuối ngày thứ Ba, giá trị thị trường của AMD đạt khoảng 188,2 tỷ USD, một lần nữa vượt qua đối thủ truyền kiếp Intel – hiện có giá trị thị trường khoảng 182 tỷ USD. Tuần trước, giá trị thị trường của “nhà máy màu đỏ” AMD lần đầu tiên vượt qua “nhà máy màu xanh” Intel, và “cuộc chiến màu đỏ và xanh” tiếp tục. Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của AMD đã tăng từ mức dưới 125 tỷ USD vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, trong bối cảnh thị trường gia tăng kỳ vọng Fed tăng lãi suất và nhóm cổ phiếu tăng trưởng công nghệ lao dốc, AMD cũng khó tránh khỏi đà giảm.
AMD thăng hoa, Intel chìm xuồng
Cổ phiếu của AMD khởi sắc trở lại trong thời gian gần đây nhờ thương vụ mua lại công ty chất bán dẫn Mỹ Xilinx, “chốt” thành công một thỏa thuận kỷ lục trong ngành chip trị giá khoảng 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, khác với AMD, tình hình của đối thủ truyền kiếp Intel có thể nói là vô cùng ảm đạm. Hiệu suất cổ phiếu của Intel trong lĩnh vực bán dẫn từ lâu đã kém hơn so với các công ty cùng ngành. Mới đây, Intel đã vạch ra “kế hoạch hồi sinh” cho chính mình và đưa ra hàng loạt cải cách mạnh mẽ nhằm “khơi lại ánh hào quang”, nhưng trước những thách thức và rủi ro đi kèm với chi phí cao và thời gian dài đã khiến một số lượng lớn các nhà đầu tư “nóng ruột”.