Trong nhiều năm gần đây, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới 10-15% và đạt đỉnh 19 triệu đồng/lượng gây ra nhiều hệ lụy trong giao dịch.
Giá vàng bất ổn, thị trường hoang mang
Chịu áp lực từ tín hiệu diều hâu của FED về việc tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn để chiến đấu với lạm phát, giá vàng đã mất đà tăng.
Giá vàng kỳ hạn tháng 6 đã mất đi 10,6 USD và giao dịch ở mức 1.813 USD. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.815,1 USD/ounce, giảm 8,8 USD/ounce.
Thị trường trong nước, giá vàng giảm nhẹ 500.000 đồng/lượng. Vàng DOJI đảo chiều 68,25 triệu đồng/lượng và 69,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 68,25 triệu đồng/lượng mua vào và 69,27 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý thu mua vàng SJC ở mức 68,3 triệu đồng/lượng mua vào và 69,15 triệu đồng/lượng bán ra.
Có một thực tế đáng buồn, dù chuyển động theo đà tăng – giảm cùng thế giới, nhưng mức giảm “nhỏ giọt” khiến mức chênh giá vàng trong nước với giá thế giới lên tới 19 triệu đồng. Đây là một con số bất ngờ làm dấy lên lo ngại bất ổn trong thị trường giao dịch.
Vì sao giá vàng trong nước đắt hơn thế giới?
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho câu hỏi: Vì sao giá vàng trong nước đắt hơn thế giới?
Thứ nhất, vốn dĩ, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau, nên mức độ tăng giảm cũng có thời điểm khác nhau.
Thứ 2, thị trường Việt Nam chỉ có duy nhất Ngân hàng Nhà nước được quyền nhập khẩu vàng. Điều này khiến việc phân phối vàng bị giới hạn, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao.
Nhìn thấy lỗ hổng, nhiều chủ tiệm vàng hoặc các công ty đẩy giá vàng và có hiện tượng đầu cơ khi thấy nguồn cung không đủ. Người thiệt hại trong cuộc đua này chính là người tiêu dùng có nhu cầu sở hữu vàng. Từ đó dẫn đến việc chênh lệnh giá giữa trong nước và quốc tế, mức chênh lệch mua vào – bán ra cũng khá cao.
Thứ 3, thị trường chứng khoán bất ổn, dù đem lại nguồn lãi lớn nhưng với tỷ giá không ổn định, nhiều người e ngại không muốn xuống tiền. Ngược lại, kênh trú ẩn an toàn hiện nay vẫn là tài sản vàng và đồng USD. Nên nhu cầu người tiêu dùng tích trữ vàng để bảo toàn tài sản vẫn khá cao.
Hệ lụy
Điều dễ dàng nhìn thấy nhất của việc chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới là việc nảy sinh “thị trường buôn lậu vàng”.
Có nhiều vụ buôn lậu vàng được đưa ra ánh sáng với số lượng hàng chục kg. Có giai đoạn, hành vi buôn lậu vàng hoạt động rầm rộ đến mức nhà nước ước tính hàng năm, có hàng chục tấn vàng lậu tuồn vào thị trường qua đường biên giới. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, điển hình là đồng USD.
Việc chênh lệch cao sẽ đẩy thị trường vàng phát triển không cân đối, mất giá trị thực và đi lệch với xu hướng chung trên thế giới. Vàng trong nước đắt đỏ cũng có thể khiến người dân tập trung mua vàng, làm “chết vốn” khó huy động để tái hoạt động sản xuất.
Ở thời điểm hiện tại, đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn bởi mức giá để sở hữu 1 lượng vàng đắt hơn rất nhiều so với vàng thế giới.
Với những cá nhân muốn đầu tư kiếm lời, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên sử dụng nguồn tiền rảnh để không ảnh hưởng tới chi tiêu hàng tháng của gia đình. Hiện tại, để điều tiết được giá vàng ổn định chỉ có thị trường cung – cầu, không nên áp đặt quy tắc để điều chỉnh giá vàng, nó sẽ tạo sự bất ổn cho thị trường vàng.
Nếu người dân muốn mua tích trữ vàng ở thời điểm giá vàng đang neo quá cao thì nên mua vàng nhẫn, vàng chỉ vì giá của nó tiệm cận với giá thế giới. Còn nếu mua vàng miếng thì phải chịu mức chênh lệch cao do nguồn cung có hạn.
Zoe