Từ 15h ngày 21/10, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng tăng dao động từ 200 đồng đến 340 đồng/lít. Trong khi giá dầu tăng từ 600 đồng đến 840 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng tối đa 840 đồng/lít
Sau khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 tăng lên 21.490 đồng/lít (tăng 200 đồng/lít); xăng RON 95 tăng lên 22.340 đồng/lít (tăng 340 đồng/lít). Trong khi đó, giá dầu hỏa tăng lên 23.660 đồng/lít (tăng 840 đồng/lít); dầu diesel tăng lên 24.780 đồng/lít (tăng 600 đồng/lít); riêng dầu mazut còn 13.890 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg). Có thể thấy, xăng dầu đã tăng giá lần thứ 2 liên tiếp.
Cơ quan điều hành trong kỳ điều chỉnh lần này đã giữ nguyên trích lập quỹ bình ổn xăng dầu từ 200 đến 400 đồng với mỗi lít xăng. Trích lập quỹ 200 đồng/kg với dầu mazut. Riêng dầu hỏa và dầu diesel không thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn.
Trước đó, Dân trí đưa tin về chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu. Theo vị này, tại kỳ điều hành ngày 21/10, giá xăng trong nước sẽ tăng nhẹ và dao động ở mức 170-290 đồng/lít, tùy từng loại. Trong đó, giá dầu tăng cao hơn và có thể tăng thêm đến 860 đồng/lít.
Xăng dầu diễn biến phức tạp và động thái của Bộ Công Thương
Trước diễn biến của mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương mới đây có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… sao cho phù hợp với thực tế phát sinh trong thời gian qua. Sao cho tính đúng, đủ trong giá cơ sở xăng dầu.
Động thái này nhằm góp phần hỗ trợ việc tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thông quan hàng hóa xăng dầu, kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được văn bản của Bộ Công Thương, đề nghị đưa ra chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi cũng như nguồn ngoại tệ.
Hoạt động này nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tăng nguồn lực tài chính cũng như giảm chi phí nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn trong nước, bảo đảm việc cung ứng xăng dầu đủ cho thị trường trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu tạo điều kiện liên quan đến các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ nhằm nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu, kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.