Chiều nay, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dự báo giá xăng ngày 1/6 tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp đã trở thành sự thật.
Giá xăng ngày 1/6 xô đổ kỷ lục cũ
Từ 15h, giá xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, giá bán tối đa là 30.230 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít, giá bán tối đa 31.570 đồng/lít; dầu diesel tăng 840 đồng/lít, giá bán tối đa 26.390 đồng/lít; dầu hỏa tăng 940 đồng/lít, giá bán tối đa là 25.340 đồng/kg; giá dầu mazut tăng 310 đồng/kg, giá bán tối đa 20.900 đồng/kg.
Cơ quan điều hành trong kỳ này không trích quỹ bình ổn với xăng RON 95 và E5 RON 92 mà chỉ trích quỹ với các loại dầu. Xăng được chi quỹ bình ổn từ 100-500 đồng/lít tùy loại.
Trước đó, tính đến ngày 26/5, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore theo cập nhật của Bộ Công Thương tiếp tục tăng. Trong đó, xăng RON 92 – loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá 140,2 USD/thùng; giá xăng RON 95 ở mức 148,41 USD/thùng.
Chốt phiên cuối tuần qua, trên thế giới, giá dầu WTI ở mức 115,1 USD/thùng (tăng 0,86%); giá dầu thô Brent giao tháng 7 lên 119,4 USD/thùng (tăng 1,73%). Tính trong vòng 2 tháng trở lại, giá dầu thô Brent hiện đã chạm mức cao nhất.
Thông tin trên Dân Trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, so với giá xăng thế giới, xăng trong nước đang âm khá cao. Cụ thể, xăng RON 95 lỗ khoảng 850 – 950 đồng/lít, xăng E5 RON 92 âm khoảng 250 – 350 đồng/lít; dầu diesel âm từ 600 – 700 đồng/lít.
Do đó, vị này nhận định, trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, xăng RON 95 giá sẽ vượt 31.000 đồng/lít nếu mức tăng tương ứng với mức lỗ.
Kỳ điều chỉnh giá diễn ra vào ngày 23/5, xăng RON 95 giá đã tăng 670 đồng, lên mức 30.650 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng, lên 29.630 đồng/lít. Giá dầu diesel còn 25.550 đồng/lít (giảm 1.100 đồng); dầu hỏa còn 24.400 đồng/lít (giảm 660 đồng).
Vấn đề xăng dầu bên hành lang Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội cho biết, cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục như thời gian qua. Mục tiêu kiểm soát lạm phát vì thế cũng rất khó khăn.
Theo đề xuất của ông Cường, việc nhập khẩu cao sẽ khiến đội giá trong nước nên chỉ còn cách cắt bớt thuế phí. Ông cho rằng, dù việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng phải chấp nhận bởi ý nghĩa cao hơn phía sau.
Giảm thuế bảo vệ môi trường hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt? Trả lời câu hỏi này, đại biểu Cường cho rằng, cần cân nhắc, tính toán bởi cơ sở tính thuế của 2 loại là khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Cường, khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính toán để vẫn đánh vào hành vi người dùng. Bởi, mức đánh thuế xăng sinh học và xăng khoáng khác nhau.
Nhưng ông Cường đặc biệt nhấn mạnh vào việc, nguồn cung là quan trọng nhất, cần phải để nó không bị quá biến động.
Tại Việt Nam, nhà máy lọc hóa dầu cần hoạt động hết công suất và khai thác dầu hiệu quả hơn để chủ động về nguồn cung trong bối cảnh giá dầu tăng cao. Ông Cường còn kiến nghị cần có nguồn dự trữ rủi ro khi có biến động về giá thay vì chỉ để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung.